Ngày 3-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn; một số tổ chức, cá nhân hữu quan về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII.(Ảnh)
Các ý kiến tham gia tập trung vào các nội dung: Tên gọi; phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc hoạt động; chính sách phát triển; công tác quy hoạch phát triển giao thông đường bộ gắn với kết cấu hạ tầng; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn; các hành vi nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ.
Các đại biểu cũng đã phân tích làm rõ một số Điều và đề nghị cần được sửa đổi nội dung phù hợp như: Cần thống nhất về tên gọi của Luật, đảm bảo tính chính xác, bao trùm; cần có căn cứ khoa học khi xác định hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe; bên cạnh việc quy định tuổi lái xe tối thiểu thì cũng phải có tuổi lái xe tối đa; các lực lượng Công an xã tham gia đảm bảo an toàn giao thông chỉ nên kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, còn việc xử lý vi phạm nên để lực lượng Cảnh sát chuyên ngành nhằm tránh tiêu cực. Trước đây, chỉ có lực lượng Cảnh sát giao thông mới được phép dừng những phương tiện vi phạm, nay đề nghị Thanh tra giao thông cũng được quyền dừng; nên hạn chế việc thu giữ phương tiện khi vi phạm mà tăng cường xử phạt bằng tiền để tránh sự lưu kho, kiểm kê khi bàn giao...
Đoàn đại biểu Quốc hội đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII.
Ngày 3-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Thái Nguyên đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thi hành án dân sự. Tham gia buổi đóng góp ý kiến gồm đại diện các ngành: Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát và một số luật sư của Đoàn luật sư Thái Nguyên.
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự gồm 9 chương, 182 điều đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (ngày 23, 24-5-2008) và đã cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo luật, đồng thời cho ý kiến vào các chương, điều cụ thể. Nhưng để Bộ luật này được hoàn thiện hơn, sát thực, phù hợp với cuộc sống, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp tục tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân.
Tại buổi lấy ý kiến, một số đại diện các cơ quan của Thái Nguyên đã đóng góp bổ sung gần 40 vấn đề như: Yêu cầu bắt buộc phải báo cáo thi hành án dân sự trước các kỳ họp HĐND; nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên; quy trình nhận đơn yêu cầu thi hành án; những điều Chấp hành viên không được phép làm khi thi hành nhiệm vụ...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Phan Văn Tường đã ghi nhận những đóng góp của đại diện các cơ quan và sẽ tập hợp những ý kiến này gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, bổ sung hoàn thiện Bộ Luật Thi hành án dân sự.