Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: Phải thực hiện công khai minh bạch hơn nữa về tài chính ngân sách

15:56, 31/10/2008

Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà Nước năm 2008; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia ý kiến thảo luận:

Trong những thành công bước đầu của thời gian qua về kiềm chế lạm phát, giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối khá, tôi nghĩ có đóng góp của chính sách tài chính. tôi cơ bản tán thành với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2008 và dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009, tôi xin phát biểu hai vấn đề sau.

Thứ nhất, vấn đề công khai minh bạch trong tài chính ngân sách để thực hiện mạnh hơn nữa việc phòng, chống tiêu cực lãng phí, tôi nghĩ phải thực hiện công khai minh bạch hơn nữa về tài chính ngân sách, tránh tình trạng có cái gì đó mập mờ, chưa rõ ràng như điện, xăng dầu thời gian vừa rồi.

Về điện, tôi thấy rất ngạc nhiên thấy có một đồng chí Lãnh đạo ngành điện trả lời trên báo chí là không thể tách được phần thu trước khi điều chỉnh giá và sau khi điều chỉnh, như thế thì khi hạch toán có thể chỉnh một dấu phẩy thôi thì kết quả cũng đã khác rồi.

Về xăng dầu, tôi thấy rất nhất trí với ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên đã đăng trên báo Tiền Phong là ngành xăng dầu cần phải công khai số lượng và giá nhập theo biến động giá thị trường, không thể giải thích theo kiểu vì nhập khẩu từ lúc giá cao nên sau này không thể giảm giá được. Vì vậy cần phải công khai minh bạch hơn nữa để góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Thứ hai, vấn đề ngân sách cho ngành y tế, Kỳ họp thứ 3 vừa rồi Quốc hội chúng ta đã thông qua Nghị quyết số 18 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy không phải là người công tác trong ngành y tế nhưng tôi thấy rất phấn khởi vì trong đó có nhiều chủ trương và chính sách cho ngành y tế. Nghị quyết đã nói rõ tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước. Có thể nói ngành y tế đang đứng trước yêu cầu rất cao của sự nghiệp chăm lo sức khỏe toàn dân, làm sao để người Việt Nam chúng ta khỏe mạnh hơn, cao lớn hơn. Vừa rồi dư luận không đồng tình với quy định của Bộ Y tế về những người thấp bé, nhẹ cân, ngực nhỏ không được đi xe máy. Mặc dù quy định này cũng đã tạm dừng, nhưng tôi hiểu rằng đây là quy định bất đắc dĩ và cũng vì lo lắng cho an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Nhân việc này tôi càng thấy yêu cầu về chăm sóc sức khỏe, cải tạo nòi giống cần phải được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ chăm lo hơn nữa.

Tuy nhiên để ngành y tế hoàn thành được trọng trách của mình, ngoài những vấn đề về đội ngũ, về trình độ chuyên môn, về y đức, ngành y tế cũng cần phải có điều kiện vật chất nhất định để đáp ứng. Theo tinh thần Nghị quyết 18 của Quốc hội, Chính phủ đã dự kiến năm 2009 chi cho ngành y tế là 23.360 tỷ và theo Báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, kể cả vốn dành cho xây dựng cơ bản, thì tốc độ tăng chi cho ngành y tế sẽ là 28,9% cao hơn tốc độ tăng chi chung của ngân sách, bởi vì tốc độ tăng chi chung của ngân sách là 27,7%. Tôi thấy việc bố trí như vậy tuy đã có sự quan tâm, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu để tăng thêm vì hai lý do:

Lý do thứ nhất chính là ở điểm phải tính cả vốn xây dựng cơ bản thì tốc độ tăng chi cho y tế mới như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên trong vốn xây dựng cơ bản của ngành y tế lại có 3.500 tỷ, tính từ nguồn trái phiếu, chi từ trái phiếu thì lại không được tính trong tăng thu và tăng chi chung của ngân sách. Và nếu không tính xây dựng cơ bản thì tăng chi cho y tế chỉ đạt 21, 9%.

Lý do thứ hai, trên thực tế ngành y tế ở nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn thiếu kinh phí trầm trọng. Vì thiếu kinh phí nên các bệnh viện vẫn phải chịu đựng áp lực quá tải, các Giám đốc bệnh viện, các thầy thuốc đều khó có thể từ chối người dân đến khám, chữa bệnh, nên hầu như các bệnh viện đều phải thực hiện 150%, thậm chí có bệnh viện tới 180% công suất giường bệnh, người bệnh phải chịu cảnh 2 người có lúc 3 người một giường

Mặt khác khi giao chỉ tiêu ngân sách y tế cho các địa phương thì chủ yếu dựa trên số dân cho nên tỉnh nào đã cố gắng đầu tư để tăng thêm bệnh viện, nâng số giường trên 1 vạn dân theo mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước thì lại phải chịu cảnh số kinh phí trên một giường bệnh giảm xuống. Cho nên các địa phương phải đứng trước câu hỏi tại thời "mũ ni che tai" trước yêu cầu khám chữa bệnh của người dân để giữ nguyên số giường bệnh theo đúng chỉ tiêu ngân sách cấp, hay đáp ứng được yêu cầu người dân về khám, chữa bệnh để nâng số giường bệnh lên, chấp nhận kinh phí trên một giường bệnh ít đi và người thầy thuốc sẽ vất vả hơn.

Vì vậy tôi đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ nâng mức bố trí ngân sách cho ngành y tế, nguồn để bố trí tăng thêm. Tôi đề nghị từ việc giảm bớt đầu tư cho các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, từ việc giảm bù lỗ, từ việc tiết kiệm các chi khác và từ các nguồn viện trợ. Việc tăng chi cho ngành y tế là một điều rất cần thiết.