Đấu nối giao thông: Quan trọng nhưng chưa được quan tâm

09:09, 28/10/2008

Theo quy định của Chính phủ về Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì các dự án ven các trục đường giao thông khi xây dựng phải xin phép các cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền để được đấu nối vào đường giao thông trước khi lập dự án xây dựng. Tuy nhiên, tại Phổ Yên, vấn đề này chưa được nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đơn cử gần đây nhất là vụ vi phạm của Công ty cổ phần ô tô Vinaxuki Xuân Kiên. Dự án xây dựng Khu công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu t­ư tại khu vực 2 xóm Triều Lai và Xây Thư­ợng thuộc xã Thuận Thành (Phổ Yên) với quy mô rộng 45 ha, bao gồm 5 nhà máy liên hoàn: Nhà máy sản xuất lốp ô tô; nhà máy sản xuất cầu truyền động; nhà máy sản xuất hộp số; nhà máy đúc gang thép hợp kim, đúc phôi, khuôn dập vỏ động cơ, vỏ hộp số; nhà máy sản xuất nhíp và lò xo ô tô.

 

Hiện nay, Công ty đang tiến hành xây dựng nhà máy đúc gang thép hợp kim, đúc phôi, khuôn dập vỏ động cơ, vỏ hộp số, dự kiến năm 2009 sẽ đi vào sản xuất. Trong quá trình thi công, do vị trí nằm sát Quốc lộ 3, Công ty đã đổ đất vào hành lang giao thông của Quốc lộ 3 để tạo thành đường vào san ủi mặt bằng, lắp ráp nhà máy. Khi thấy Công ty đổ đất vào hành lang giao thông, lực lượng Thanh tra giao thông của Cục Đường bộ Việt Nam đã đến kiểm tra thủ tục đấu nối giao thông của Dự án nhưng Công ty không xuất trình được những giấy tờ cần thiết như: Đơn xin điểm đấu nối của Dự án, văn bản chấp thuận địa điểm đấu nối của Cục Đường bộ Việt Nam. Như vậy, Công ty đã không thực hiện đúng theo Thông tư số 13 nói trên và bị Thanh tra giao thông xử lý theo quy định của pháp luật vì đổ đất trái phép vào hành lang giao thông.

 

Không riêng gì Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên, từ năm 2006 đến nay, một số doanh nghiệp, đơn vị khác như Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Lệ Trạch (Đài Loan), Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện Phổ Yên, Phòng giao dịch Ba Hàng - Chi nhánh Ngân hàng Công thương Sông Công... cũng vi phạm không làm các thủ tục đấu nối giao thông trước khi lập dự án xây dựng và bị xử lý theo quy định hiện hành.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bính, Trưởng phòng Công thương huyện Phổ Yên cho biết: Từ khi Thông tư số 13 ra đời, đến nay chưa có một cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào tìm đến Phòng để các thủ tục đấu nối Giao thông trước khi lập dự án xây dựng. Chỉ đến khi ngành giao thông can thiệp, xử lý thì họ mới liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các thủ tục đấu nối. Như Công ty cổ phần ô tô Vinaxuki Xuân Kiên sau khi bị lực lượng thanh tra xử lý mới hoàn thiện các thủ tục đấu nối và được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận điểm đấu nối tại km35+400 QL3.

 

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Phổ Yên cũng có không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết nên gặp khó khăn trong việc xin đấu nối giao thông. Điển hình là Dự án xây dựng trung tâm thương mại Ba Hàng của hộ gia đình ông Khúc Ngọc Đức, Tiểu khu 4, thị trấn Ba Hàng có vị trí nằm đối diện với Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện và sát Quốc lộ 3. Dự án này được huyện giải phóng và bàn giao 1.250 m2 mặt bằng từ tháng 1-2008 nhưng đã 10 tháng trôi qua do chưa có thủ tục đấu nối với Quốc lộ 3 theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải nên đến nay ông Khúc Ngọc Đức vẫn chưa tiến hành thi công công trình. Ông Đức cho biết: Do không biết cấp nào có thẩm quyền cấp phép đấu nối giao thông cho Dự án nên tôi lên Sở Giao thông - Vận tải Thái Nguyên xin làm thủ tục thì được trả lời là Dự án này phải xuống Cục Đường bộ Việt Nam xin phép đấu nối giao thông. Về Cục Đường bộ Việt Nam, tôi lo làm thủ tục mãi nhưng không biết vướng mắc ở đâu mà đến giờ cũng chưa làm được hồ sơ đấu nối giao thông để xây dựng công trình...

 

Trên địa bàn huyện Phổ Yên hiện có 18 km QL3; 27 km tỉnh lộ 261; 88,5 km đường huyện quản lý và 283,8 km đường xã quản lý. Theo phân cấp thì thủ tục cấp phép đấu nối giao thông với quốc lộ do Cục Đường bộ Việt Nam cấp, các tuyến tỉnh lộ và huyện, xã quản lý do Sở Giao thông vận tải địa phương cấp. Theo ông Nguyễn Xuân Bính, Trưởng phòng Công thương huyện thì hồ sơ để được chấp thuận điểm đấu nối giao thông khá đơn giản, chỉ gồm: Đơn xin điểm đấu nối của dự án, giấy chấp thuận địa điểm đầu tư của cấp có thẩm quyền. Sau khi xem các loại giấy tờ trên, ngành Giao thông có văn bản chấp thuận điểm đấu nối để các dự án tiếp tục xây dựng và khi xây dựng xong thì ngành giao thông ra quyết định điểm đấu nối Giao thông…