Thái Nguyên: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

08:15, 03/11/2008

Tính đến chiều qua (3-11) trên địa bàn Thái Nguyên có thêm 5 người bị chết do mưa lũ, tổng thiệt hại vật chất khoảng trên 20 tỷ đồng. Hiện, cán bộ nhân dân các vùng bị thiệt hại do mưa lũ đang tập trung cứu người và tài sản…  

Tại Huyện Phú Bình: Trong đợt mưa lũ lần này, Phú Bình là huyện thiệt hại về người nhiều nhất, ngoài trường hợp của chị Vân Anh, xã Đồng Liên bị chết trong lúc thăm đồng, còn có trường hợp cháu bé Phạm Thị Tươi, sinh năm 2006, xóm Quyết Tiến (Tân Kim) cũng bị chết đuối khi đang chơi ở chiếc cầu cạnh nhà và 2 trường hợp mất tích Trần Thị Yến, sinh năm 1971, xóm Đồi (Nhã Lộng); Nguyễn Hữu Văn, sinh năm 1982, xóm Diệm Dương (Nga My).

 

Ngoài thiệt hại về người, theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Phú Bình thì trong 2 ngày qua, lượng mưa trên địa bàn huyện vào khoảng trên 300mm, riêng ngày 31-10-2008 là khoảng trên 200mm, gây ngập úng khoảng 200ha cây trồng, trong đó lúa: 120ha, rau mầu vụ Đông là 80ha, ước tính tổng diện tích cây trồng vụ Đông có thể bị chết sau mưa là 500ha. Những xã thiệt hại về cây trồng nhiều nhất là: Lương Phú, Dương Thành... Đặc biệt toàn bộ diện tích trên 40ha dưa chuột bao tử thuộc xã: Tân Đức, Lương Phú, Thanh Ninh đang bắt đầu cho thu hoạch có nguy cơ bị mất trắng, nhiều gia đình diện tích lúa mùa muộn chuẩn bị gặt cũng bị chìm trong nước.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB cho biết: Lượng mưa lần này tuy không phải là lớn nhất từ trước tới nay, nhưng thiệt hại về người và cây trồng lại là lớn nhất. Nguyên nhân là do những diễn biến phức tạp của thời tiết nên việc dự báo trước là rất khó khăn, do vậy bà con không có sự chủ động trong phòng, chống. Trong tình trạng người dân vẫn còn đang tiếp tục phải đương đầu với mưa lũ, hiện huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, khẩn trương đánh giá toàn bộ mức độ thiệt hại do mưa, thống kê chính xác diện tích cây trồng bị ngập, các công trình bị hư hại, thiệt hại về người và tài sản... Tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng gặt các diện tích lúa mùa đã chín bị ngập úng, đối với diện tích bị đổ cần dùng gậy gạt nhẹ nhàng từ 2-3 hàng, hoặc buộc túm từ 3-5 khóm để tránh đổ, gẫy, ngập trong nước. Đối với những diện tích cây ngắn ngày như: Khoai tây, dưa chuột xuất khẩu, ngô ngọt... đã bị hư hỏng không thể khắc phục được, cần khẩn trương trồng lại để kịp thời vụ nhằm đảo bảo diện tích cây vụ Đông năm 2008. Những gia đình có người bị chết do mưa lũ, huyện cũng đã trích quỹ phòng chống lụt bão để ứng hỗ trợ với tổng số tiền là 8 triệu đồng.

 

Tại huyện Phổ Yên: Theo thống kê sơ bộ, đến nay, trên địa bàn huyện Phổ Yên có mưa to gây úng ngập 720 ha lúa mùa trung, mùa muộn, trong đó 400 ha bị ngập sâu, có nguy cơ mất trắng. Cùng với đó, 500 ha ngô đông ngập úng và bị đổ, 320 ha rau các loại hỏng hoàn toàn, 200 ha mặt nước nuôi cá bị tràn, 1 ha chè cành trồng mới bị sạt và hỏng hoàn toàn. Nhiều công trình thuỷ lợi, đường giao thông bị sạt lở, hỏng nặng như: Đập tràn Quyết Thắng (xã Phúc Thuận) sạt lở 5 m3, mương xây kiên cố sập hoàn toàn 200 m (xã Minh Đức), cống các loại bị hỏng, vỡ 200 cái, đường giao thông nông thôn sạt lở 2.200 m3, cống qua đường Quốc lộ 3 (đoạn km số 41,5 thuộc địa bàn xã Nam Tiến) bị hỏng gây ngập úng 40 hộ gia đình, 12 hộ dân thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành bị ngập. Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính trị giá trên 10 tỷ đồng.

 

UBND huyện Phổ Yên đã thành lập các đoàn  kiểm tra các hồ đập, hệ thống công trình thuỷ lợi, hệ thống giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng khác. Đến 15 giờ ngày 3-11, mực nước tại đê Chã, Hạt Quản lý đê Phổ Yên đo mực nước là 8,37 m, xấp xỉ báo động 1, dự báo nước vẫn đang lên chậm. Trước tình hình này, Hạt chỉ đạo đóng tất cả các cống trên 2 tuyến đê Sông Cầu và Sông Công. Riêng cống số 1 và số 2 (đê sông cầu), cống số 9 đê Sông Công vẫn mở do mực nước tại các vị trí này ở trong đồng cao hơn mực nước sông. Đồng thời huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai ngay công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất trên tinh thần phát huy 4 tại chỗ, sơ tán dân tới nơi an toàn, chuẩn bị sẵn sàng vật tư tại chỗ: Đá hộc, đá dăm, cát, rọ thép, cuốc, xẻng, đòn gánh, bao tải... để sẵn sàng ứng cứu khi tình huống bất ngờ xảy ra. Ngày 1-11, huyện đã phát lệnh bơm tiêu úng Cống Táo với 11/11 máy, công suất 33.000 m3/h để bảo vệ sản xuất, đôn đốc bà con nông dân thu hoạch những trà lúa đã chín. Các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ trực 24/24 h để xử lý các tình huống xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Tại huyện Đại Từ: Đại Từ là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất so với huyện thành, thị khác trong tỉnh. Ước tính đến ngày hôm qua 3-11, trên địa bàn toàn huyện có gần 200 ngôi nhà bị ngập nước đổ tường, 2 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, một nhà bị sập hoàn toàn; 21 cầu bê tông, cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi, hư hỏng nặng; hơn 17 km đường giao thông liên xã bị sạt lở, hư hỏng; xã Phú Cường, Minh Tiến bị chia cắt; hơn 2.000 con gia súc, gia cầm, gần 4 tấn thóc bị cuốn trôi; 78 vai đập bán kiên cố 296 ao, hồ, đầm bị vỡ; 285 ha lúa, hoa màu bị dập vùi…ước tổng thiệt hại là trên 16 tỷ đồng.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin báo về từ các xã, lãnh đạo huyện Đại Từ đã nhanh chóng cắt cử các phòng chức năng, điều động các đoàn cán bộ về tận cơ sở trực tiếp nắm bắt, kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục và chống mưa, lũ. Kịp thời đến chia sẻ và đề xuất các mức hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản; động viên nhân dân ổn định tư tưởng để tiếp tục khắc phục những thiệt hại để lao động sản xuất.