Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc tại Nhà máy Xi măng Thái Nguyên và Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn

16:11, 19/12/2008

Sáng nay (20/12), đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đi thăm, làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Thái Nguyên (đứng chân trên địa bàn xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ).

Nhà máy Xi măng Thái Nguyên được lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại của Cộng hoà Pháp, khi đi vào hoạt động công suất đạt 1,51 triệu tấn/năm. Dự án do Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức vốn trên 3 nghìn tỷ đồng. Đồng chí Phạm Văn Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhà máy cho biết: Hiện nay, Nhà máy Xi măng Thái Nguyên đang được tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong xây lắp đã hoàn thành cơ bản việc thi công xây dựng các hạng mục chính của Nhà máy với giá trị thực hiện trên 700 tỷ đồng.

 

Về công tác chế tạo thiết bị trong nước, đến nay đã thực hiện xong việc chế tạo gần 5.900 tấn thiết bị đảm bảo kỹ thuật và chất lượng theo yêu cầu của nhà thầu Pháp và giao tại mặt bằng Nhà máy phục vụ kịp thời cho thi công lắp đặt (đây là dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong các nhà máy xi măng tại Việt Nam từ trước đến nay - chiếm 73% khối lượng thiết bị). Về lắp đặt thiết bị hiện cũng đã cơ bản hoàn thành với tổng khối lượng trên 11.000 tấn.

 

Đặc biệt, trong công tác đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực, Nhà máy đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho gần 500 kỹ sư và công nhân để kịp thời đáp ứng về mặt nhân lực khi đưa Nhà máy vào sản xuất. Theo kế hoạch, đến cuối quý I/2009, Nhà máy Xi măng Thái Nguyên sẽ đi vào sản xuất thử...

 

Sau khi nghe báo cáo nhanh và đi kiểm tra thực tế việc thi công các hạng mục của Nhà máy Xi măng Thái Nguyên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý Dự án và các đơn vị thi công xây dựng Nhà máy Xi măng Thái Nguyên. Đối với một số khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi (chạy qua địa bàn xã La Hiên, huyện Võ Nhai), tiến độ hoàn thiện trạm điện 110KV phục vụ sản xuất của Nhà máy bị chậm so với kế hoạch..., tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan và kiến nghị với ngành Điện để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa Nhà máy Xi măng Thái Nguyên vào sản xuất.

 

Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Vượng đã đến thăm, làm việc tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV). Lãnh đạo Công ty đã báo cáo nhanh tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008, kế hoạch phát triển của đơn vị trong những năm tới. Theo đó, đến ngày 11/11, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2008 với sản lượng 690 triệu KWh điện, về đích trước thời hạn 50 ngày. Dự kiến cả năm nay, Công ty sản xuất được 800 triệu KWh điện (vượt công suất thiết kế trên 100 triệu KWh); tổng doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.

 

Cùng với việc về trước kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đến tháng 9/2008 Công ty đã nộp ngân sách Nhà nước được trên 28,2 tỷ đồng, đạt 139,75% kế hoạch năm và tăng tới 105% so với năm 2007. Ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất điện, hiện nay Công ty đã tận dụng tro xỉ than để sản xuất gạch block không nung (với sản lượng 5.000 viên/tháng), qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên (với mức thu nhập bình quân trong năm nay đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng).

 

Trong chiến lược phát triển bền vững của đơn vị, thời gian tới Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn tiếp tục ưu tiên nghiên cứu phương án đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung từ tro xỉ than của nhà máy điện nhằm biến chất thải rắn của nhà máy thành sản phẩm hữu ích, bảo vệ môi trường tốt hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, với mục tiêu tạo ra khoảng 180.000 tấn sản phẩm vật liệu không nung từ sau năm 2010...

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chúc mừng những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới Công ty tiếp tục đầu tư hơn nữa vào việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Giữ vững ổn định trong sản xuất, cung cấp điện, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường (không khí, nguồn nước...) trong quá trình sản xuất...