III-Xa Va Na Khẹt đầy nắng và gió

16:21, 30/12/2008

Mùa khô ở nước bạn Lào thật khác so với bên ta. Cả ngày chỉ có nắng và gió. Cái nắng thật gay gắt, có lúc tưởng chừng muốn bỏng da. Gió rất mạnh, không đều và mang theo cái hanh khô chỉ có ở phía Tây dãy Trường Sơn hùng vỹ.

Dọc Quốc lộ 9 dẫn tới tỉnh Xa Va Na Khẹt, Đoàn làm phim lại tiếp tục một ngày mới với những cảnh quay lần theo dấu chân một thời của liệt sỹ Vũ Xuân và bộ đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Xa Va Na Khẹt là một tỉnh trung tâm của Nam Lào. Đây là tỉnh có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Trị của ta. Xuôi Quốc lộ 9, chúng tôi cố gắng tiệm cận gần hơn với những địa danh mà người con ưu tú của mảnh đất Thép Thái Nguyên từng qua trong những năm tháng gian khổ trên đất bạn. Nhiều đoạn đường trước đây anh và đồng đội phải băng rừng, xẻ núi khó nhọc hành quân thì giờ đã có đường mới thay thế. Những bản làng các anh qua, giúp đỡ đồng bào giờ vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc về các anh. Chính những cuộc hành quân ấy đã góp phần giúp chúng tôi hôm nay trở lại mảnh đất Lào được nhanh hơn, gần hơn.

Băng Cùng là bản người dân tộc của huyện Xê Pôn, một trong hàng trăm bản làng các bộ tộc Lào từng in dấu chân và những việc làm đầy nghĩa tình của bộ đội Việt Nam. Cuộc sống của người dân trong bản còn rất khó khăn. Họ vẫn giữ nếp sống cũ, hoang sơ và nghèo nàn đến khó hiểu. Nhưng sự hiền lành và thân thiện của đồng bào thì thật đáng quý. Chúng tôi có mặt tại Băng Cùng vào thời điểm cái nắng gay gắt nhất trong ngày. Tiếng nhạc sập sình phát ra từ trong bản thông báo cho mọi người biết nơi đây đang có chuyện vui. Đúng vậy, đồng bào vừa tổ chức lập gia đình mới cho một đôi trai gái trong bản. Chúng tôi gặp dân bản, kể cho họ nghe về liệt sỹ Vũ Xuân và chuyến công tác dài ngày của Đoàn làm phim trên đất Lào. Niềm nở tiếp chúng tôi, trưởng bản Pa Hom xúc động: “Bản làng chúng tôi cảm ơn bộ đội Việt Nam rất nhiều. Họ đã đến và cùng làm ruộng với người lớn, cắt tóc, tắm gội cho trẻ em. Họ đã cùng đánh đuổi giặc Mỹ cho chúng tôi mà…”

Qua nhật ký của Vũ Xuân, chúng tôi biết được Xa Va Na Khẹt có dòng Xê Băng Hiêng trong xanh đổ ra sông Mê Kông. Vũ Xuân đã viết: Chiều qua anh (nói với người yêu nơi quê nhà) có ra con sông Xê Băng Hiêng, dòng sông mùa này khô, chỉ còn rộng chừng gần 50m, những làn đá gân guốc, nhấp nhô dọc hai bên bờ. Những rặng cây bám lấy đá mà sống, mùa này đang vươn cành tỏa những đám lá xanh... Nhìn dòng Xê Băng Hiêng, nhiều lúc Vũ Xuân lại nhớ tới dòng sông Cầu thơ mộng nơi quê nhà. Sông Xê Băng Hiêng mùa này nước cũng cạn, nhô ra những cồn cỏ, cát lắng giữa dòng. Dòng Xê Băng Hiêng của năm 1971 giờ đã khác nhiều. Cây cầu cũ bị máy bay Mỹ ném bom đánh sập từ năm 1962 giờ đã chỉ còn lại dấu tích là những tấm bê tông hình khối bị nước sông bào mòn nham nhở nằm sát lòng sông.

Con đường 9 năm xưa “đỏ quạch những bụi đất” giờ đã được trải thảm nhựa thẳng băng. Đứng sừng sững trên sông là cây cầu mới xây với những nhịp to, khỏe vắt qua hai bờ, nối liền Quốc lộ 9 tới các tỉnh phía Nam Lào. Tại đây, Đoàn chúng tôi may mắn được tiếp xúc với một người đàn ông Lào từng gặp gỡ bộ đội Việt Nam vào năm 1971 khi các anh hành quân qua đây. Ông là Khăm Thon, 60 tuổi, sống ở bản Son My Xây sát hữu ngạn dòng Xê Băng Hiên. Biết chúng tôi đến từ Việt Nam, ông đã không giấu nổi cảm xúc của mình: “Tôi đã được sống cùng bộ đội Việt Nam gần một năm trời. Họ thường hành quân qua bản, giúp đỡ dân bản rất nhiều. Tôi cũng từng tham gia quân đội Pa Thét Lào và được chiến đấu đánh đuổi giặc Mỹ cùng với bộ đội Việt Nam.” Những người dân Lào mà chúng tôi gặp đều đôn hậu, nhiệt thành. Họ đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc tác nghiệp, giúp những cảnh quay được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Khi mặt trời đã xế bóng, chúng tôi dừng chân nghỉ lại Xê Pôn-một thị trấn nhỏ của tỉnh Xa Va Na Khẹt, giáp với biên giới Việt- Lào.

Dòng sông Xê Băng Hiêng, tỉnh Xa Va Na Khẹt, nơi trước đây liệt sỹ Vũ Xuân từng hành quân qua.

Giã gạo chày tay, một nét đặc trưng trong nếp sống của bản làng các bộ tộc vùng Nam Lào

Đoàn làm phim tại cửa khẩu biên giới Lào- Thái Lan.

Còn nữa...