Thực hiện chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2009. Ngày 9/02, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị đã thông qua Quyết định số 02/QĐ-ĐĐBQH ngày 5/02/2009 về việc tổ chức đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. Thông qua Kế hoạch giám sát số 12/KH-ĐĐBQH ngày 9/02/2009 về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý VSATTP" trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của việc giám sát là thu thập thông tin, đánh giá thực trạng thực thi chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn; thông qua việc giám sát để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP; đề xuất giải pháp, kiến nghị với Quốc hội, chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp, các ngành ở địa phương những giải pháp nhằm bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.
Phạm vi, đối tượng giám sát trực tiếp gồm: UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Y tế, Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Thái Nguyên, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Thái Nguyên, Trường Mầm non 19/5 T.P Thái Nguyên. Đối tượng giám sát gián tiếp là các đơn vị: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ. Nội dung giám sát về tình hình thực thi chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh năm 2004 - 2008; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại yếu kém; những nguyên nhân tồn tại do khách quan, chủ quan và các giải pháp, kiến nghị của đơn vị được giám sát...
Theo kế hoạch, Đoàn sẽ thực hiện giám sát từ ngày 4 đến ngày 6/3/2009. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng đã yêu cầu các thành viên Đoàn kiểm tra phải công tâm nghiêm túc chính xác trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nghiêm khắc xử lý những sai phạm để các cơ sở vi phạm rút kinh nghiệm, sửa đổi, chấp hành về VSATTP; kiến nghị với tỉnh, với Đảng, Chính phủ, Quốc hội về những vướng mắc còn tồn tại, để qua đó cơ quan chức năng có giải pháp bổ sung, sửa đổi hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP.