Thái Nguyên: Lấy ý kiến đóng góp vào một số dự thảo Luật

14:22, 08/03/2009

Ngày 9/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị chức năng; Hội Kiến trúc sư; Hội Luật gia để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật quy hoạch đô thị (QHĐT), dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII vào tháng 5/2009. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chủ trì cuộc họp.

Theo dự thảo Luật quy hoạch đô thị có 6 chương, 76 Điều gồm: Chương I là những quy định chung; chương II: Lập quy hoạch đô thị; chương III: Thẩm định, phê duyệt QHĐT; chương IV: Điều chỉnh QHĐT; chương V: Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; chương VI: Điều khoản thi hành. Qua 11 ý kiến đóng góp, nhìn chung các đại biểu đã tập trung nêu rõ những yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay của Thành phố Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết ra đời của Luật QHĐT trong giai đoạn này sẽ là hành lang pháp lý để chấn chỉnh công tác quy hoạch và quản lý đô thị đi vào nền nếp.

 

Các ý kiến cũng đã phân tích, đóng góp ý kiến tập trung chủ yếu vào 33 Điều trong dự thảo Luật. Trong đó, những vấn đề thảo luận và bổ sung nhiều là các Điều 17, 18 về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng. Ngoài ra, các ý kiến đề nghị bổ sung tại một số Điều quy định trong Luật chưa rõ, hoặc chưa có như vấn đề: Nội dung quản lý Nhà nước về QHĐT; việc quản lý đất đô thị cần có sự thống nhất theo QHĐT; cần quy định rõ thời hạn hiệu lực khi cấp phép quy hoạch; xem xét lại việc nếu nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng mà phải lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, cộng đồng liên quan là sẽ khó; thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc thẩm định đồ án QHĐT; vấn đề phân cấp nguồn kinh phí trong QHĐT; nên thống nhất thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung; phân loại đô thị cần thêm đối tượng quy hoạch; QHĐT phải tính đến yếu tố dân tộc, tính đặc thù và thống kê phân loại các kiến trúc cổ để có sự bảo tồn..Qua đó, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi đến kỳ họp Quốc hội sắp tới.

 

*Chiều 9-3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn chủ trì đã họp với đại diện các cơ quan, đơn vị, trường học thuộc khối tài chính, ngân hàng trên địa bàn và Hội Luật gia để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Quản lý nợ công.

 

Luật Quản lý nợ công gồm 8 chương, 52 Điều. Trong đó nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về hoạt động vay nợ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công, gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài. Nợ công trong Luật này được quy định là nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ chính quyền địa phương. Qua đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các ý kiến đều thống nhất về phạm vi điều chỉnh của Luật, các nội dung, nguyên tắc về quản lý nợ công...Đồng thời cũng đề nghị bổ sung thêm một số nội dung chưa được rõ như: trách nhiệm quản lý nợ; thẩm quyền trong quyết định vay, quản lý vay, xử lý nợ rủi ro;  công khai thông tin về nợ cần cụ thể hơn về thời gian, nội dung vay nợ của địa phương; vấn đề sử dụng vốn cần rõ hơn; thẩm quyền của Bộ Tài chính trong cho vay cần ngắn gọn hơn; những quy định về giám sát còn chung chung; cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của HĐND trong quyết định cho vay, giám sát hiệu quả đồng vốn; đề nghị thu hồi vốn nếu sử dụng không hiệu quả; xác định hạn mức cho vay vốn an toàn; cần có chế tài cụ thể để xử lý các khoản nợ rủi ro, hiệu quả thấp... Các ý kiến trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên sẽ tổng hợp để trình kỳ họp Quốc hội khoá XII sắp tới.