Ngày 29/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách đối với nông dân trong 3 năm (2006 - 2008) tại UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT.
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì buổi làm việc (ảnh).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành tăng bình quân 4% năm. Giá trị sản phảm trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân năm 2008 đạt 44 triệu đồng, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2007; sản lượng lương thực đạt ngưỡng 400 nghìn tấn/năm; sản lượng chè đạt gần 150 nghìn tấn/năm, giá trị thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/ha/năm.
Toàn tỉnh có 384 trang trại chăn nuôi, hơn 4,5 nghìn ha mặt nước được đưa vào nuôi trồng thuỷ sản, nâng sản lượng từ hơn 3,8 nghìn tấn/năm 2007 lên 4,2 nghìn tấn/năm 2008; các lĩnh vực lâm nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến lâm được quan tâm phát triển tốt, trung bình mỗi năm có gần 200 nghìn lượt người được tập huấn nâng cao trình độ sản xuất...
Đến nay, toàn tỉnh có 1.146 công trình thuỷ lợi, hơn 1,4 nghìn km kênh mương được kiên cố, bảo đảm tưới tiêu ổn định cho 23 nghìn ha lúa vụ đông xuân, 34 nghìn ha lúa vụ mùa, 5 nghìn ha ngô đông… Tổng kinh phí đầu tư cho ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2006 - 2008 đạt hơn 939 tỷ đồng.
Những năm vừa qua, các chương trình 661; chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các đề án xây dựng mạng lưới thú y cấp xã; đề án Phát triển chè tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010; đề án phát triển rau an toàn giai đoạn 2008 - 2015; đề án phát triển giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2015…đều được triển khai đúng quy trình, có hiệu quả…
Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị với Trung ương về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phuơng phát triển cơ sở hạ tầng và tăng mức vốn đầu tư cho xây dựng các loại công trình từ xã đến xóm; đề nghị Trung ương tiếp tục thực hiện các chính sách cho nông nghiệp hiện nay, như chính sách trợ cước vận chuyển phân bón, giá giống cây trồng, vật nuôi, Chương trình 134, 135; đề nghị nâng mức hỗ trợ cho việc thiết kế trồng rừng sản xuất từ 50 nghìn đồng/ha lên 150 nghìn đồng/ha…
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng đã ghi nhận, đánh giá cao những việc mà UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT làm được trong thời gian qua. Đồng chí lắng nghe, tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT để chuyển đến các cấp có thẩm quyền và trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch nông thôn mới; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...
* Cũng trong ngày 29/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc trong 3 năm (2006- 2008) tại Ban Dân tộc tỉnh. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh: Trong 3 năm thực hiện Chương trình 134, đã giải ngân trên 80 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phân tán, đất ở, đất sản xuất. Hầu hết các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đều được hỗ trợ, trong đó có nhiều hộ được hỗ trợ 3 đến 4 nội dung…
Đối với Chương trình 135 giai đoạn II, đã giải ngân trên 146 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án như: phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng; trung tâm cụm xã… hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân. Nhờ bám sát được nội dung, mục tiêu của chương trình nên trong 3 năm qua hệ thống các công trình hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được xây dựng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực 44 xã được hưởng Chương trình 135 giảm từ 49,76% (năm 2006) xuống còn 38,2% (đầu năm 2009). Thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên… Chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển mặt hàng chính sách xã hội phục vụ miền núi cùng với các chính sách khác đã góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc.
Ban Dân tộc đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề như: Tăng mức hỗ trợ về đất sản xuất để các hộ dân có thêm điều kiện mua được một phần đất theo định mức; bổ sung vốn để tiếp tục đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các xóm; bổ sung thêm hộ nghèo theo tiêu chí mới từ năm 2005 có khó khăn về đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt chưa được hỗ trợ; cấp vốn bổ sung cho các công trình thuộc trung tâm cụm xã; tăng mức trợ cước tiêu thụ nông sản ở khu vực III và vùng lân cận…
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã ghi nhận những kết quả Ban Dân tộc đã thực hiện. Đồng thời, đề nghị Ban Dân tộc cần chú ý và làm tốt hơn các mặt văn hoá, thông tin. Thực hiện linh hoạt một số nội dung chính sách sát với thực tế từng địa phương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với những chính sách của Đảng và Nhà nước.