Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ở Võ Nhai

09:23, 27/04/2009

Hôm qua (27/4), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong 3 năm (2006-2008) tại huyện Võ Nhai. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì buổi làm việc (ảnh).

Theo báo cáo của huyện Võ Nhai: Trong 3 năm huyện đã xây dựng mới được một trạm bơm tại xã Cúc Đường; một đập chứa nước tại xã Nghinh Tường; kiên cố, sửa chữa và nâng cấp kênh, đập suối Bùn, kênh hồ Quán Chẽ; sửa chữa nâng cấp hồ Cây Hồng. Huyện đã đầu tư nâng cấp, mở mới được 52,6km đường liên xóm, xây dựng 198 vị trí cống các loại, xây dựng một cầu treo, hai đường tràn liên hợp… với số tổng vốn  đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 6%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá… cũng có nhiều bước phát triển khá. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể theo các năm: Từ 48% năm 2006, xuống còn 41,09% năm 2007, năm 2008 còn 31,18% số hộ nghèo…

 

Ngoài ra, huyện Võ Nhai còn báo cáo về việc thực hiện chính sách định canh định cư; chính sách vay vốn phát triển sản xuất; trợ cước trợ giá; chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở…, đồng thời kiến nghị một số vấn đề như: Đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư vốn xây dựng cơ bản cho các xã đặc biệt khó khăn; kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 134 đến năm 2010; nâng cao quy mô đầu tư cho vay tạo việc làm; tiếp tục có chính sách trợ cước, trợ giá cây, con giống và các mặt hàng chính sách…

 

Sau khi nghe huyện Võ Nhai báo cáo, một số đại biểu trong Đoàn đã đề nghị lãnh đạo huyện Võ Nhai cần nêu rõ hơn một số vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc trong công tác cử tuyển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác định hộ nghèo; chính sách pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản; việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình 134; việc xét tuyển biên chế của ngành Giáo dục huyện, đặc biệt là giáo dục mầm non…

 

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng đã có buổi giám sát tại xã Phương Giao. Nhìn chung, trong 3 năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn xã Phương Giao đã có nhiều chuyển biến, số hộ nghèo giảm qua các năm (từ 54,6% năm 2006 nay giảm xuống còn 38,47%); thu ngân sách tăng qua các năm (năm 2006 thu đạt hơn 899 triệu đồng, năm 2007 thu đạt hơn 1,1 tỷ đồng, năm 2008 là hơn 1,2 tỷ đồng); 10/14 xóm đã được sử dụng điện lưới Quốc gia… Tuy nhiên xã Phương Giao vẫn còn khó khăn về thuỷ lợi, cả xã chỉ có 43/690 ha đất canh tác sản xuất được 2 vụ lúa; đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ, năng lực nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật…

 

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã lắng nghe, tiếp thu và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ phía cơ sở để chuyển đến các cấp có thẩm quyền cũng như trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới. Đồng thời đề nghị địa phương cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân.