Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát về thực hiện chính sách giảm nghèo

16:57, 31/07/2009

Trong các ngày 30 và 31/7, Đoàn  đại biểu Quốc hội do đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiếp tục chương trình giám sát về việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo tại huyện Phú Lương, Ngân hành Chính sách - Xã hội tỉnh và UBND tỉnh.

 

Tại các đơn vị, địa phương nêu trên, Đoàn đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị báo cáo về một số nội dung trong công tác giảm nghèo như: Việc tiếp nhận, triển khai các văn bản của Nhà nước, của tỉnh về vấn đề này; việc tổ chức thực hiện các nội dung trong công tác giảm nghèo; những kết quả trong công tác giảm nghèo từ năm 2006 tới nay; những ý kiến đề xuất về bổ sung chính sách trong công tác giảm nghèo…

 

Qua báo cáo của đại diện lãnh đạo các đơn vị cho thấy: Thời gian qua cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; việc Nhà nước đầu tư các cơ chế, chính sách ưu đãi đã giúp hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống; hệ thống công trình kết cấu hạ tầng ở nông thôn không ngừng được đầu tư xây dựng; tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra…

 

Tuy nhiên, chính do có nhiều chính sách ưu đãi nên một số hộ nghèo trên địa bàn còn ỷ lại, không muốn thoát nghèo; việc triển khai chính sách này ở nhiều nơi vẫn còn thụ động, chưa có sự vận dụng sáng tạo; xem trọng việc đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo hơn là đầu tư cho cộng đồng người nghèo; các mô hình xoá nghèo bền vững có khả năng triển khai nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh chưa nhiều…Về kiến nghị, hầu hết đại diện các địa phương, đơn vị và hộ nghèo đều mong muốn Trung ương tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng dân cư ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.

 

Kết thúc đợt giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành của tỉnh trong công tác giảm nghèo thời gian qua và đề nghị tiếp tục phát huy những mặt tích cực đã đạt được trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các thành viên trong Đoàn cũng đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp cần tập trung trí tuệ để đưa ra những biện pháp giảm nghèo thiết thực như: Xây dựng những mô hình giảm nghèo bền vững; nghiên cứu đầu tư những công trình hữu ích cho cộng đồng người nghèo; bố trí cán bộ có năng lực để làm công tác giảm nghèo; cân đối nguồn ngân sách địa phương để cùng với nguồn lực của Trung ương nhằm đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác giảm nghèo; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc triển khai các văn bản chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm nghèo; việc tổ chức thực hiện công tác này ở cơ sở; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân để tránh tình trạng ỷ lại…

 

Đối với các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, địa phương trong tỉnh liên quan tới công tác giảm nghèo sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn tổng hợp để gửi về Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.