Theo Bộ Công Thương, quy định về giờ cao điểm sáng cần được giữ nguyên và cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh chống suy giảm kinh tế là giảm giá giờ cao điểm vào buổi sáng (từ 9h30 -11h30)
Giảm tối đa 20% cho doanh nghiệp sản xuất
Theo Bộ Công Thương, qua thống kê cho thấy, chỉ các doanh nghiệp sản xuất 1 ca là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất của giá điện giờ cao điểm sáng, do các doanh nghiệp này từ trước tới nay chưa phải trả giá điện cao điểm khi sử dụng điện vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên trong bối cảnh suy giảm kinh tế chung, để giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp Bộ Công Thương cho rằng có thể xem xét giảm giá điện giờ cao điểm sáng cho các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, mua điện ở các cấp điện áp từ 35/22kV trở xuống, với mức giảm tối đa 20%, thời gian áp dụng từ 1/8/2009.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, khi thực hiện giảm giá điện giờ cao điểm sáng thì doanh thu bán điện sẽ giảm tương ứng khoảng 350 tỷ đồng, giá bán điện bình quân của năm 2009 sẽ giảm từ 948,5 đ/kWh xuống còn mức 943,7 đ/kWh (giảm 0,5%) so với mức giá bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Tác động giờ cao điểm sáng không nhiều
Theo Bộ Công Thương, tác động của riêng việc điều chỉnh giờ cao điểm cho thấy tỷ lệ chi phí tiền điện tăng thêm trên tổng chi phí sản xuất đối với một số ngành sản xuất lớn trong tháng 4/2009 là rất nhỏ.
Khảo sát 8 doanh nghiệp sản xuất xi măng 3 ca cho thấy tỷ lệ tăng chi phí tiền điện cao nhất ở mức 15,7%, đặc biệt công ty Xi măng Bỉm Sơn có tỷ lệ tiền điện tăng thêm do điều chỉnh giờ cao điểm là -0,26%, cho thấy công ty đã tiết kiệm được chi phí tiền điện khi áp dụng quy định mới về giờ cao điểm do tỷ trọng sản lượng điện giờ cao điểm mới giảm.
Tính chung tỷ lệ tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp ở mức tương đối thấp khoảng từ -0,04% đến 1,72%.
Đối với các doanh nghiệp ngành Thép, chi phí tiền điện trên tổng chi phí của các doanh nghiệp ngành Thép ở mức thấp, từ 1,04% - 4,05%, chỉ tăng khoảng 0,04 ‰ so với trước đây.
Đối với ngành Thuốc lá, ngành Rượu Bia tỷ trọng chi phí tiền điện tăng thêm chỉ từ 0,06% đến 0,29%..
Phần lớn doanh nghiệp tăng tỷ lệ tiền điện dưới 10%
Cũng theo Bộ Công Thương, việc đánh giá tác động của giá điện giờ cao điểm quy định mới được tính dựa trên chênh lệch giữa tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trong tổng chi phí tiền điện của từng tháng (4 và 5) với tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trong tổng chi phí tiền điện năm 2008.
Theo số liệu tính toán cho thấy, số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm dưới 10% chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát (trên 70%)
Có khoảng 13,2-15,17% tổng số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trên 20%. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất 1 ca, sản xuất tập trung trong giờ hành chính và sử dụng công suất phần lớn vào giờ cao điểm sáng.
Số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% trong tháng 5 chiếm 72% tăng hơn so với tháng 4. Số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm từ 10-20% và từ 20-30% trong tháng 5 chiếm 14,73% và 8,98% giảm so với tháng 4 là ( chiếm 21,48%và 11,22%).
Qua các số liệu trên cho thấy, việc áp dụng quy định về giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng, khiến tăng số lượng doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% và giảm số doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện từ 10% trở lên. Điều này một phần do các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các biện pháp như tổ chức lại lao động, sắp xếp quy trình vận hành thiết bị và các dây chuyền sản xuất hợp lý nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng điện trong giờ cao điểm sáng để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.