Tổng hợp ý kiến trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

17:43, 22/07/2009

Sáng  22/7, ngày làm việc thứ 3, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XI, sau phần tổng hợp các ý kiến thảo luận tổ là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã lược ghi các ý kiến trả lời chất vấn tại kỳ họp.

 

* Lồng ghép các nguồn lực khác thực hiện Chương trình 135

 

Đại biểu Triệu Minh Thái đoàn Đại Từ chất vấn: Tỉnh Thái Nguyên được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II ở 44 xã, 53 xóm. Đến nay có 03 xóm chưa được cấp kinh phí thực hiện (gồm 02 xóm của xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ và 01 xóm thuộc xã Yên Lạc, huyện Phú Lương). Với trách nhiệm cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các chính sách dân tộc, Ban đã tham mưu, có giải pháp gì để khi nào 03 xóm trên được đầu tư vốn thực hiện theo kế hoạch và mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn II?

 

Trả lời về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Lai, Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh cho rằng: Toàn tỉnh có 53 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc xã khu vực II được đầu tư (tức là 53 xóm ngoài 44 xã đang hưởng Chương trình 135). Nhưng về vốn lại quy định: "Mức vốn hỗ trợ bình quân cho 1 thôn ĐBKK ở xã khu vực II thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo nguyên tắc mỗi xã khu vực II được hỗ trợ tối đa không quá tổng mức bình quân của 4 thôn ĐBKK trong 1 năm. Theo định mức vốn bình quân của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 195 triệu/xóm/năm". Quy định như vậy để đảm bảo tổng mức vốn đầu tư cho 1 xã khu vực II phải thấp hơn mức vốn của 1 xã ĐBKK hưởng Chương trình 135. Đơn cử như cùng trong huyện Đồng Hỷ, xã Văn Hán là xã khu vực II có 6 xóm hưởng Chương trình 135. Nếu như cả 6 xóm đều được giao mức quy định là 195 triệu đồng thì vốn của cả xã là 1.170 triệu đồng. Trong khi đó xã Văn Lăng, là xã khu vực II (xã ĐBKK) đang hưởng Chương trình 135 có tới 13 xóm ĐBKK, nhưng cả xã mới được hưởng 1.060 triệu đồng, chia bình quân cho 13 xóm thì mỗi xóm được hơn 81 triệu đồng. Thực chất không phải có 3 xóm chưa được hưởng Chương trình 135 mà chỉ là mức vốn cho 1 xóm của xã có hơn 4 xóm thấp đi, còn các chế độ khác của nhân dân vẫn được thực hiện đầy đủ. Trong điều kiện mức vốn hạn hẹp, UBND các huyện, xã (là chủ đầu tư) phải thực hiện lồng ghép với các nguồn lực khác và huy động thêm sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng xóm để có sự điều chỉnh cho hợp lý trên tổng nguồn vốn được cấp.

 

* Không đề nghị tái nhiệm với thẩm phán có số lượng án bị sửa, bị hủy do lỗi chủ quan

 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Tòa án tỉnh phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng sửa án, hủy án dân sự sơ thẩm hiện nay và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?.

 

Về vấn đề này, ông Ma Nghĩa Hùng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho rằng: 6 tháng đầu năm 2009, ngành Tòa án đã thụ lý 1.038 vụ án dân sự, đã giải quyết 729 vụ, trong đó có 101 vụ có kháng cáo của đương sự. Trong số 101 vụ án dân sự có kháng cáo thì cấp phúc thẩm tỉnh đã xét xử 70 vụ, kết quả: Giữ nguyên án sơ thẩm 34 vụ, sửa án sơ thẩm 22 vụ và hủy án sơ thẩm để giải quyết lại 14 vụ.

 

Nguyên nhân khách quan trong quá trình giải quyết án dân sự ở cấp sơ thẩm, một số đương sự không giao nộp hết chứng cứ cho Tòa án, khi kháng cáo lên phúc thẩm mới xuất trình chứng cứ mới, dẫn đến cấp phúc thẩm sửa án, hoặc có trường hợp phải hủy án để xác minh lại chứng cứ mới. Một số vụ án khi kháng cáo lên cấp phúc thẩm, các đương sự có sự thỏa thuận khác với quyết định sơ thẩm. Hoặc khi kháng cáo lên cấp phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn chấp nhận rút đơn.

 

Nguyên nhân chủ quan là một số vụ án trong quá trình xây dựng hồ sơ, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ hoặc đánh giá chứng cứ chưa chính xác dẫn đến bản án sơ thẩm xét xử không đúng. Có vụ án khi xét xử sơ thẩm đã vi phạm các quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự (trong quá trình giải quyết vụ án không đưa đầy đủ các đương sự vào tham gia). Bên cạnh đó do trình độ chuyên môn xét xử của một số ít thẩm phán Tòa án cấp huyện còn yếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Về giải pháp, thời gian tới Ngành Tòa án tiếp tục tăng cường tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thẩm phán. Tăng cường công tác giám đốc kiểm tra các loại án, để uốn nắn kịp thời những sai xót. Khi hết nhiệm kỳ kiên quyết không đề nghị tái nhiệm đối với các thẩm phán có số lượng án bị hủy, bị cải sửa do lỗi chủ quan.

 

*Khó khăn trong thỏa thuận bồi thường án oan sai

 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phân tích, làm rõ 04 trường hợp yêu cầu bồi thường theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 thuộc trách nhiệm ngành và giải trình tiến độ giải quyết?

 

 Vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết: Vụ thứ nhất liên quan đến 3 ông Phan Thanh Phương, Đỗ Đức Đại và Ma Văn Năm trong vụ việc xảy ra tháng 9/2006. Khi đó ông Đỗ Đức Đại-Chánh Thanh tra huyện Võ Nhai nhận được lá đơn của bà Bế Thị Điệp tố cáo bà Hoàng Thị Huyền, Thẩm phán Tòa án Võ Nhai đòi hối lộ 1,5 triệu đồng để xử nhẹ cụ án "cố ý gây thương tích" do Điệp và chồng Điệp thực hiện. Ông Đại đã quyết định cử 2 ông Phương và Năm là thanh tra viên đi xác minh đơn tố cáo. Qua khám xét nơi làm việc, khám người bà Huyền nhưng không thu được số tiền hối lộ như tố cáo của Điệp. Bà Huyền đã có đơn đề nghị cơ quan Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện xác minh làm rõ. Ngày 10/10/2006 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can Điệp và 3 ông Phương, Đại, Năm về tội vu khống.

 

Quá trình điều tra, Công an huyện đã quyết định thay đổi tội danh của 3 bị can Đại, Phương, Năm từ tội vu khống sang tội lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ. Nhưng quá trình điều tra không chứng minh được 3 bị can trên có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Ngày 20/3/2008 Viện kiểm sát huyện đã ra quyết định đình chỉ vụ án, bị can đối với 3 ông Đại, Phương, Năm. Sau khi vụ án đình chỉ, 3 ông đã làm đơn yêu cầu đòi bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, Viện kiểm sát nhân dân Võ Nhai đã thương lượng thành công với ông Ma Văn Năm với số tiền thỏa thuận bồi thường là 22.876 nghìn đồng. Riêng 2 ông Đỗ Đức Đại và Phan Thanh Phương quá trình thương lượng không thành vì 2 bên không thống nhất được nội dung các khoản bồi thường. Vì vậy, Viện kiểm sát huyện đã hướng dẫn 2 ông làm đơn khởi kiện ra tòa. Tòa án huyện đang thụ lý vụ việc.

 

Vụ việc thứ 2 liên quan đến Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thái. Từ năm 1994-1997, Hoàng đã đi vay, mượn tiền, mua chịu hàng hóa nợ 38 cá nhân với số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 45 nghìn USD, nợ 3 doanh nghiệp Nhà nước trên 350 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân. Ngày 21/10/1997, lệnh bắt, khám xét khẩn cấp được thực hiện với Hoàng. Ngày 20/6/1998, Viện kiểm sát tỉnh quyết định hủy biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 11/11/1998, Cơ quan điều tra có kết luận đề nghị truy tố Hoàng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân. Ngày 10/1/1999, Viện kiểm sát tỉnh trả hồ sơ bổ sung chứng cứ buộc tội. Ngày 20/1/2000, Viện kiểm sát tỉnh có quyết định đình chỉ vụ án vì không đủ chứng cứ xác định Hoàng có ý thức chiếm đoạt các doanh nghiệp và tài sản công dân. Ngày 8/7/2005, Hoàng có đơn yêu cầu bồi thường lần 1 và sau đó nhiều lần có đơn. 3 lần Viện kiểm sát tỉnh gửi thông báo mời Nguyễn Đức Hoàng lên làm việc nhưng Bưu điện đều trả lại với lý do Hoàng không đến nhận. Ngày 9/6/2009, Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải cử người lên làm việc với Viện kiểm sát về các thủ tục bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Đức Hoàng (vì ông Hoàng đã chết từ ngày 24/3/2009). Trước đó ông Hoàng đã có giấy ủy quyền cho Văn phòng Luật sư đàm phán, thương lượng. Viện kiểm sát tỉnh đã yêu cầu Văn phòng Luật sư cung cấp đơn, chứng cứ liên quan theo quy định để xem xét, đàm phán, thương lượng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản của Văn phòng Luật sư.

 

* Không có tiêu cực trong thực hiện các chế độ chính sách

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Đoàn Phú Lương chất vấn: Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh, có đồng chí lãnh đạo của một ngành nội chính đã đề cập đến dư luận hỏi về việc có tiêu cực trong quy trình các cơ quan chức năng làm thủ tục để công nhận các đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước? Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở LĐTB-XH có ý kiến về vấn để này.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐTB-XH trả lời: Trong quy trình các cơ quan chức năng làm thủ tục để công nhận các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Sở Lao động Thương binh –Xã hội đều căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, gồm: Pháp lệnh ngày 29-8-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh trên. Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25-11-1998 của Liên bộ Lao động – TBXH-Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh. Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH ngày 29-6-2005 ưu đãi người có công với cách mạng...

 

Trong trường hợp thương binh là quân nhân, công an nhân dân đang tại ngũ: Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, cấp giấy giới thiệu đến hội đồng giám định y khoa theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; với trường hợp những người bị thương là quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh lập hồ sơ giới thiệu giám định thương tật như quy định đối với quân nhân, công an còn tại ngũ. Về thủ tục hồ sơ do cơ quan quân đội, công an xác lập từ địa phương nơi cư trú. Khi đã được công nhận là thương binh, cơ quan quân đội, công an chuyển sang ngành Lao động – TBXH quản lý và chi trả trợ cấp. Đối với bệnh binh, cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân, công an có trách nhiệm lập thủ tục xác nhận bệnh binh và giải quyết quyền lợi đối với bệnh binh. Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc thân nhân của họ thì lập bản khai cá nhân kèm theo một trong các giấy tờ quy định (các giấy tờ liên quan đến tham gia kháng chiến từ vĩ tuyến 17 trở vào, thời gian hoạt động ở chiến trường từ 8/1961 đến 30/4/1975). Trong hồ sơ của các đối tượng chính sách trên, phải có đầy đủ các loại giấy chứng nhận cần thiết theo quy định thì mới được làm thủ tục cấp chế độ. Do vậy, quy trình các cơ quan làm thủ tục để công nhận các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi Nhà nước là không có tiêu cực.

 

* Các xóm bản chưa có điện vì địa hình hẻo lánh

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Đoàn Phú Lương chất vấn: Hiện ở Thái Nguyên còn bao nhiêu xóm chưa có điện? Nguyên nhân? Bao giờ 100% xóm, bản của Thái Nguyên có điện? Đề nghị đồng chí Giám đốc Điện lực Thái Nguyên cho biết.

 

Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Điện lực Thái Nguyên trả lời như sau: Cuối năm 2003, Điện lực Thái Nguyên đã xây dựng và đóng điện lưới Quốc gia về 100% trung tâm xã của tỉnh. Hiện đã có hơn 221 nghìn hộ được dùng điện, đạt 97,9%. Nhưng trên địa bàn của tỉnh còn 43 xóm chưa có điện lưới Quốc gia, với tổng số 2.474 hộ, trong đó huyện Võ Nhai có 32 xóm, với tổng số hộ 1.679 hộ; huyện Phú Lương 2 xóm, với tổng số 97 hộ; huyện Định Hóa có 4 xóm, với tổng số 127 hộ; huyện Phổ Yên có 2 xóm, với tổng số 111 hộ; huyện Đồng Hỷ có 3 xóm, với tổng số 460 hộ.

 

Nguyên nhân các xóm này chưa có điện do người dân vùng này sinh sống không tập trung, bà con làm nhà rải rác trên các địa hình núi cao, hẻo lánh, không có đường giao thông... Nếu đầu tư đường điện vào khu vực này thì giá thành sẽ rất lớn. Qua số liệu khảo sát sơ bộ, nếu đầu tư đường điện vào các xóm, bản này, dự kiến tổng chi phí hết gần 65 tỷ đồng, số tiền dự kiến đầu tư cho một hộ dân là 26 triệu đồng/hộ.

 

Để từng bước đưa được điện lưới Quốc gia về các xóm bản nêu trên, trong thời gian đầu năm 2009 này, Điện lực Thái Nguyên đã cố gắng bằng nguồn vốn cải tạo tối thiểu để đầu tư cho một số xóm như: Đèo Khê (Tân Kim - Phú Bình); Ấp Lươn; Nông Trường (Phúc Thuận - Phổ Yên), hiện các xóm này đã được cấp điện ổn định. Một số xóm như Bản Tèn, Mỏ Nước (Văn Lăng - Đồng Hỷ), Ba Họ, Làng Muông (Yên Ninh - Phú Lương) đã có Dự án IVO (vốn vay Phần Lan) dự kiến được triển khai trong năm nay. Về lâu dài để giải quyết các xóm còn lại chưa có điện, Điện lực Thái Nguyên căn cứ tình hình cụ thể để phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư để báo cáo UBND tỉnh, Công ty Điện lực I có đề xuất giải pháp thực hiện. Còn để 100% số xóm, bản của tỉnh có điện thì Nhà nước, địa phương, Điện lực Thái Nguyên và nhân dân trên địa bàn phải phối hợp bằng sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn vốn để tập trung xây dựng hệ thống điện trên. Những xóm bản vùng sâu, vùng xa, nơi địa bàn quá hẻo lánh và khó khăn thì Nhà nước nên có phương án tìm nguồn năng lượng khác thay thế năng lượng điện lưới Quốc gia để cấp điện cho các hộ còn lại trong tỉnh.  

 

*Trạm Thủy sản Núi Cốc sẽ sớm giao lại diện tích đất sử dụng không hiệu quả cho địa phương

 

Đại biểu Ngô Thái Hùng, Đoàn Đại Từ  đề nghị UBND tỉnh cho biết lý do gì việc bàn giao đất cấp thừa cho Trạm Thủy sản Núi Cốc đến nay vẫn chưa được trả lại cho huyện Đại Từ? 

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT trả lời: Trạm Thủy sản Núi Cốc thuộc Trung tâm Thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT). Trước đây Trạm Thủy sản này là Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc, nhận bàn giao lại toàn bộ quỹ đất được Thủ tướng Chính phủ cấp 68 ha đất tại xã Tân Thái (Đại Từ) theo Quyết định số 111/TTg ngày 11-4-1975 cho Ban hồ cá Núi Cốc thuộc Ủy ban Nông nghiệp Trung ương. Nhưng trên thực tế Trạm Thủy sản Núi Cốc quản lý và sử dụng 149,44 ha (theo ranh giới đo đạc năm 1993).

 

Theo đề nghị của UBND huyện Đại Từ tại văn bản số 89/UBND-VP ngày 20-3-2006 về việc đề nghị thu hồi một phần của Trạm Thủy sản Núi Cốc cho UBND xã Tân Thái quản lý, sử dựng, ngày 29-3-2006 UBND tỉnh đã có văn bản số 300/UBND-TH giao cho Sở Nông nghiệp – PTNT chủ trì cùng Sở Tài nguyên -  Môi trường... thực hiện việc rà soát, quy hoạch lại diện tích sản xuất của Trạm Thủy sản Núi Cốc cho phù hợp. Đối với diện tích không sử dụng và diện tích sử dụng không hiệu quả yêu cầu giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định. Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo này, Sở Nông nghiệp – PTNT đã hợp đồng với Viện Quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - PTNT) tiến hành đo đạc bản đồ địa chính và tiến hành rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất của Trạm Thủy sản Núi Cốc. Trên cơ sở kết quả đo đạc ngày 15-3-2007, UBND huyện Đại Từ, Sở Nông nghiệp – PTNT, Sở Tài nguyên – Môi trường, Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên, Trạm Thủy sản Núi Cốc, UBND xã Tân Thái đã cùng tổ chức hội nghị thống nhất ranh giới quy hoạch Trạm Thủy sản Núi Cốc. Tại hội nghị này đã thống nhất được phần diện tích quy hoạch để lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc và phần diện tích trả ra cho địa phương. Hiện Sở Nông nghiệp – PTNT đang tiếp tục thực hiện hoàn thành việc rà soát, quy hoạch cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của Nhà nước để chỉ đạo Trạm Thủy sản Núi Cốc bàn giao lại diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả cho địa phương trong thời gian sớm nhất.

 

* Thiếu vốn nên phải thu hẹp quy mô Dự án Re-II

 

Đại biểu Trần Văn Quang, đoàn Đại Từ chất vấn: Nhân dân 10 xã được tham gia thực hiện Dự án Năng lượng nông thôn II (Re-II) thắc mắc về việc tại sao đường điện 0,4kv lại bị cắt giảm 40% so với thiết kế dự toán ban đầu? Đề nghị ngành Công Thương cho biết lý do cắt giảm? Phần cắt giảm đó có được đầu tư tiếp không và nếu được đầu tư thì bao giờ thực hiện?

 

Về câu hỏi này, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương trả lời như sau: Dự án Re-II được thực hiện tại Thái Nguyên với hạng mục chính là phần hạ áp: Xây mới và cải tạo đường dây 0,4kv của 30 xã trên địa bàn 6 huyện, tổng đầu tư dự kiến là trên 199 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng thế giới là 138 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của địa phương và của nhân dân hưởng lợi. Tuy nhiên, do không được đáp ứng đủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới, nên để tiếp tục thực hiện, bắt buộc Dự án phải thu hẹp quy mô xây dựng. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án với quy mô đầu tư thay đổi như sau: Tổng đầu tư Dự án từ trên 199 tỷ đồng rút xuống còn trên 142 tỷ đồng, tổng chiều dài đường dây từ 977,822km xuống còn 527,124km. Như vậy, quy mô của Dự án đã điều chỉnh giảm trên 40% so với kế hoạch ban đầu. 10 xã của huyện Đại Từ không nằm ngoài sự điều chỉnh này. Được biết, Chính phủ đã ký với Ngân hàng thế giới vay vốn bổ sung cho Dự án. Tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Công thương, Ngân hàng thế giới xem xét để được tham gia Dự án Re-II mở rộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có ý kiến trả lời chính thức nào. Nếu có vốn bổ sung, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.

 

* Sẽ cho dừng việc đổ xỉ lấp moong than Quang Vinh

 

Đại biểu Bùi Xuân Chiến, đoàn T.P Thái Nguyên chất vấn: Đề nghị ngành Tài nguyên - Môi trường giải thích rõ việc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đổ xỉ lấp moong than Quang Vinh làm ảnh hưởng tới tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con và gây ô nhiễm môi trường?

 

Ông Dương Văn Khanh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường có ý kiến trả lời như sau: Moong than Quang Vinh nằm trên địa bàn phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) được Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên khai thác từ năm 1980, đến năm 1997 thì phải dừng vì sự cố sụt lún. Theo quy định, sau khi dừng khai thác, Công ty phải tiến hành đóng cửa moong than, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trên. Ngược lại, Công ty còn ký hợp đồng cho phép Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đổ xỉ than xuống lòng moong.

 

Về vấn đề này, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên phải nhanh chóng lập và thực hiện Đề án đóng cửa moong than, tiến tới cải tạo moong thành hồ sinh thái kết hợp với tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn phải dừng ngay việc đổ xỉ than xuống lòng moong và tìm vị trí đổ xỉ mới. Nếu hai đơn vị này không thực hiện các yêu cầu trên của UBND tỉnh thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

 

* Việc triển khai Chương trình kích cầu chậm

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng, đoàn Đồng Hỷ chất vấn: Kết thúc 6 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã thực hiện Chương trình kích cầu của Chính phủ về cho vay vốn không tính lãi trong đầu tư kiên cố kênh mương, làm đường giao thông, phát triển làng nghề… như thế nào? Biện pháp trong 6 tháng tới ra sao?

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Tính đến nay, 9/9 huyện, thành, thị của tỉnh đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư trên địa bàn và đã có 7/9 địa phương có quyết định phân bổ vốn (còn huyện Định Hóa và T.P Thái Nguyên đã xây dựng xong phương án nhưng chưa có Quyết định phân bổ). Như vậy là chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra của tỉnh.

 

Về biện pháp 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh cũng đã họp bàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương. Đồng thời có hướng dẫn chi tiết trong thực hiện phương án thiết kế các công trình, dự án. Yêu cầu các địa phương tập trung cao độ thực hiện việc phân bổ và tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, các sở ngành liên quan sẽ chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thiết kế, thi công các công trình một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao, đúng quy định về cơ cấu quản lý, sử dụng vốn tín dụng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh.