Giám sát việc thực hiện các chính sách về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước

18:09, 25/08/2009

Ngày 25/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên và Viễn thông Thái Nguyên.

 

Cùng tham gia Đoàn giám sát còn có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh; một số sở ban, ngành liên quan. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc giám sát (ảnh).

 

* Sáng 25/8, Đoàn đã giám sát tại Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên. Đồng chí Lê Minh Khai, Giám đốc Công ty đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của đơn vị. Công ty Kim loại mầu Thái Nguyên được chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, theo Quyết định số 130 ngày 12-11-2004 của Bộ Công nghiệp. Tại thời điểm chuyển đổi, vốn Nhà nước được giao là 50,204 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 85 tỷ đồng.

 

Trong quá trình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phần lợi nhuận được phân phối theo nguồn vốn chủ sở hữu được để lại, vốn chủ sở hữu tăng lên 84,853 tỷ đồng. Năm 2007, khi lập dự án cổ phần hóa, để cơ cấu lại nguồn vốn chủ sở hữu nên các nguồn vốn được chuyển về Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. Năm 2008, có quyết định tạm dừng cổ phần hóa nên Tổng Công ty chưa điều chuyển vốn trả lại cho Công ty. Vì thế, tình hình tài chính của Công ty bị mất cân đối. Hiện tại, vốn đầu tư của Công ty chưa đáp ứng với quy mô (quy mô giá trị tài sản là 500 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu phải có ít nhất 100 tỷ đồng, nhưng Công ty chỉ có 66,296 tỷ đồng). Với quy mô và cơ cấu vốn chủ sở hữu như vậy, nên Công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác điều hành về tài chính.

 

Để có vốn hoạt động, hàng năm, Công ty chủ yếu vay vốn ngắn hạn, trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng, Tổng Công ty. Năm 2009, Công ty được vay vốn hỗ trợ lãi suất 4%/năm với số tiền 29,849 tỷ đồng. Hiện nay, các nguồn vốn vay đang phát huy hiệu quả, chỉ những dự án đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa tính được hiệu quả. Nhờ đó, Công ty đã không ngừng mở rộng sản xuất theo quy mô tăng dần, tập trung vốn đầu tư tài sản, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất để tăng giá trị sản lượng và doanh thu. Ngoài ra, Công ty còn tham gia góp vốn liên doanh, liên kết với một số công ty khác. Mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty gặp khó khăn nhưng cân đối tổng thể về vốn qua các năm, vẫn duy trì và phát triển, bảo toàn được vốn Nhà nước giao. Kết quả sản xuất kinh doanh qua các năm tăng dần; tỷ lệ doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 15 đến 20%. Năm 2008, tuy khó khăn do giá kim loại màu giảm, nhưng Công ty vẫn duy trì được sản xuất để hòa vốn, bảo vệ mỏ và đảm bảo việc làm cho người lao động.

 

Qua các ý kiến đề nghị làm rõ một số nội dung của các ngành, các ý kiến giải trình của đơn vị; đồng chí Phó Trưởng đại biểu Quốc hội đã biểu dương những cố gắng của Công ty, chỉ ra những mặt còn hạn chế cần khắc phục; ghi nhận những đề xuất của Công ty để tổng hợp trình Quốc hội và đề nghị Công ty tiếp tục thực hiện tốt các chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại đơn vị; sớm có phương án nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với các dự án mới chuẩn bị đầu tư và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

 

* Chiều 25/8, Đoàn đã có buổi giám sát tại Viễn thông Thái Nguyên. Đây là đơn vị kinh tế trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thành lập theo Quyết định số 685/QĐ-TCCB/HĐBT ngày 6-12-2007.

 

Tổng số vốn chủ sở hữu của Viễn thông Thái Nguyên tại thời điểm bàn giao ngày 1/1/2008 là 215,473 tỷ đồng, đến 31/12/2008 tăng lên 244,793 tỷ đồng; qua cơ cấu vốn đã tăng từ 45,83% lên 35,23% (tính đến ngày 31/12/2008); khả năng thanh toán hiện tại được đảm bảo. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch Tập đoàn giao về hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, được đơn vị triển khai, sử dụng tối đa các nguồn vốn hiện có. Nếu như năm 2006, doanh thu của đơn vị đạt 165,994 tỷ đồng, nộp ngân sách 4,3 tỷ đồng thì đến năm 2008, doanh thu đạt 184,563 tỷ đồng, nộp ngân sách 4,4 tỷ đồng. Đến nay, tổng tài sản sau khi chia tách với Bưu chính Thái Nguyên đã tăng lên 1,2 lần so với trước, tạo công ăn việc làm cho trên 500 lao động với mức thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng…

 

Viễn thông Thái Nguyên đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất với các bộ, ngành liên quan giải quyết  một số vấn đề: mô hình quản lý thuộc Tập đoàn cần rõ ràng (tên mới nhưng cách điều hành cũ); cần đảm bảo tính cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông lành mạnh; cơ sở hạ tầng nên giải quyết dứt điểm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

 

Sau khi nghe lãnh đạo Viễn thông Thái Nguyên báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của đơn vị, các đại biểu trong Đoàn giám sát đã đề nghị lãnh đạo đơn vị giải trình, làm rõ một số vấn đề về: nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất kinh doanh của đơn vị sau khi chia tách; cơ chế chủ sở hữu vốn; quản lý trên mạng Internet…

 

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã biểu dương những cố gắng của Viễn thông Thái Nguyên trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng đề nghị Viễn thông Thái Nguyên cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; hạn chế tối đa tác dụng tiêu cực của các trang website “đen”, chủ động đề ra các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh…