Hội thảo về phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí

08:59, 14/08/2009

Ngày 13/8, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã tổ chức hội thảo chuyên đề 4 của đề tài khoa học với nội dung "Thực trạng và giải pháp về phòng chống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí (QL,TN,LP) của các cơ quan Khối Nội chính trên địa bàn tỉnh (từ 1999-2008).

 

Đây là một trong 5 chuyên đề của đề tài khoa học cũng với nội dung trên nhưng được nghiên cứu trong phạm vị toàn tỉnh. Đồng chí Hà Thị Xoan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm đề tài khoa học chủ trì hội thảo.

 

Hiện nay, tình trạng QL,TN,LP đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với tính chất phức tạp và gây tác hại, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng về tình hình giải quyết các vụ việc QL,TN,LP của các cơ quan nội chính tỉnh (gồm Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân)  là một phần không thể thiếu của đề tài nghiên cứu "Thực trạng QL,TN,LP và giải pháp chống QL,TN,LP trên địa bàn tỉnh" để làm rõ số lượng, các vụ việc, đối tượng vi phạm, lĩnh vực, ngành có vi phạm. Từ đó tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp để phòng chống QL,TN,LP có hiệu quả trong thời gian tới.

 

Qua nội dung chuyên đề về thực trạng giải quyết các vụ việc QL,TN,LP của các cơ quan trong khối nội chính cho thấy: Công tác đấu tranh phòng chống QL,TN,LP trong những năm qua (từ năm 1999 đến tháng 6-2008) đã có nhiều cố gắng và thu được một số kết quả nhất định, song về tổng thể thì hiệu quả đạt chưa cao. Có việc xử lý chưa đủ răn đe, ngăn chặn; chưa huy động được sức mạnh của toàn xã hội để tố cáo hành vi tham những. Tình hình QL,TN,LP diễn biến phức tạp với tính chất đa dạng, tinh vi, sự liên kết của tội phạm ngày càng nguy hiểm.

 

Đã có trên 10 ý kiến tham luận tại Hội thảo phân tích, làm rõ nguyên nhân, nêu những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm và đề xuất các giải pháp để tạo hiệu quả cao trong thời gian tới. Trong đó nhiều ý kiến thống nhất tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài như: Cần đánh giá rõ hơn thực trạng, nhất là kết quả xử lý những vụ án tham nhũng, lãng phí có đúng trình tự, thủ tục, thời  gian? Phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ; tăng cường hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan thanh tra, kiêm tra để phát hiện xử lý nghiêm minh những sai phạm của cán bộ đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; cần đặc biệt chú ý đến công tác quản lý, tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ - coi đây là biện pháp quan trọng; cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi ở đó có cán bộ, đảng viên vi phạm và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng ngay trong nội bộ các cơ quan Khối Nội chính.

 

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện đề tài chung của tỉnh nhằm bảo đàm chất lượng về nội dung khi đưa ra Hội đồng khoa học nghiệm thu.