UBND tỉnh bàn quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh

16:44, 05/08/2009

Ngày 5/8, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo về quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Pắc Bó - Hòa Lạc đi qua địa phận Thái Nguyên. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND  tỉnh cùng lãnh đạo một số sở,  ngành và địa phương liên quan.

 

Hội nghị đã nghe Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc Bộ Xây dựng trình bày bản báo cáo quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Đuờng Hồ Chí Minh là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

 

Việc lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hoà Lạc đến Pắc Bó là rất cần thiết, tạo cơ sở cho việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống các đô thị, các điểm dân cư, phát triển các ngành kinh tế… cũng như tổ chức khai thác không gian cảnh quan, bảo vệ rừng và môi trường theo quan điểm phát triển bền vững.

 

Theo quy hoạch tổng thể, tuyến đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đoạn đi qua tỉnh Thái Nguyên với chiều dài trên 30 km, qua các điểm khống chế là Chợ Mới - Bắc Kạn, Chợ Chu - Định Hoá và Đèo Muồng - Tuyên Quang.

 

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất các phương án vào bản dự thảo quy hoạch như việc xây dựng phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bản quy hoạch này cần gắn với quy hoạch hệ thống giao thông vùng, liên vùng, trên cơ sở bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, đặc biệt là quần thể di tích lịch sử ATK Định Hóa…

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thái Nguyên theo quy hoạch chung toàn tuyến. Đồng thời, xây dựng các phương án cụ thể có sự so sánh, đánh giá lợi thế của từng phương án trên cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.