Đoàn công tác của Quốc hội giám sát về lĩnh vực xã hội tại Thái Nguyên

09:06, 15/09/2009

Từ ngày 14 đến 17/9, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do đồng chí Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đã tổ chức giám sát việc triển khai văn bản, chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực: Giáo dục; văn hóa; dạy nghề cho người lao động; công tác chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng… tại Thái Nguyên.

 

*Chiều 15/9, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn có buổi giám sát về các vấn đề liên quan tới việc triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước trong dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên và bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thái Nguyên.

 

Tham dự buổi giám sát có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

 

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Các thành viên trong Đoàn đã đề nghị đại diện các ngành làm rõ một số vấn đề như: Việc đào tạo nghề cho người nghiện ma túy, người nghiện ma túy sau cai; đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm; hoạt động của sàn giao dịch việc làm; sử dụng nguồn ngân sách trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; chất lượng đào tạo nghề; chất lượng giáo viên trong các cơ sở đào tạo nghề; phân bổ tài chính cho công tác đào tạo nghề; các tiêu chí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp; vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

 

Các ý kiến của Đoàn giám sát đã được đại diện các đơn vị làm rõ. Đồng thời các ngành cũng đã kiến nghị với Trung ương một số vấn đề như: Nhà nước tiếp tục có các chương trình, dự án về dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; tăng cường nguồn kinh phí chi cho hoạt động này; có cơ chế hỗ trợ dạy nghề đối với các đối tượng như người có công, người nghèo, bộ đội xuất ngũ, thanh niên vi phạm pháp luật sau cải tạo, người nghiện ma túy đã trở về địa phương; bổ sung biên chế quản lý Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm; đề nghị có cán bộ chuyên trách cấp xã về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hệ thống cộng tác viên xóm, tổ dân phố để công tác ngày một hiệu quả hơn; đề nghị Trung ương tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các tỉnh, đặc biệt là tỉnh còn khó khăn.

 

Kết thúc buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn đều khẳng định Thái Nguyên là địa phương có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này theo hướng chuyên môn hóa, đa dạng hóa, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

 

*Sáng 15/9, Đoàn đã có buổi giám sát tại Sở GD&ĐT. Đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT đã báo cáo với Đoàn về hệ thống trường lớp, thực hiện Luật Giáo dục, cũng như các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm học 2008-2009, quy mô các cấp học, bậc học tiếp tục được mở rộng, ngành đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường, các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được thực hiện đầy đủ, minh bạch. Ngoài tiền lương theo quy định của Nhà nước, những giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế được hưởng 1 khoản tiền hỗ trợ hàng tháng của tỉnh.

 

Tại buổi giám sát, Ngành GD&ĐT cũng kiến nghị với Đoàn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật Giáo dục như: Tại khoản 2, điều 4, chương I, Luật Giáo dục quy định giáo dục mầm non là một bộ phận của hệ thống giáo dục Quốc dân, tuy nhiên việc đầu tư cho giáo dục mầm non hiện nay chưa thỏa đáng. Thực hiện chuyển đổi mô hình các trường mầm non ở khu vực nông thôn, ven thành, ven thị gặp rất nhiều khó khăn. Đối với đội ngũ cán bộ đang công tác tại các cơ quan quản lý giáo dục (Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT) hiện nay không được hưởng chế độ ưu đãi của ngành, do vậy khó khăn trong điều động những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn tốt lên công tác…

 

Các thành viên trong Đoàn giám sát đã đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện các chính sách phát triển giáo dục. Với những ý kiến, kiến nghị của ngành, Đoàn tiếp thu, những vấn đề thuộc tầm vĩ mô sẽ tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

 

*Chiều 14/9, tại huyện Phổ Yên (ảnh), Đoàn đã đề nghị lãnh đạo huyện báo cáo kết quả các mặt công tác như: Triển khai thực hiện Luật Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn; kết quả công tác phát thanh - truyền hình, thể thao; thực hiện chính sách và pháp luật đối với thanh thiếu niên và nhi đồng; dạy nghề cho người lao động. Sau khi nghe báo cáo, Đoàn yêu cầu lãnh đạo huyện nêu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản chính sách phải đề nghị Trung ương sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đồng thời các đại biểu cũng đề nghị huyện báo cáo rõ hơn về một số vấn đề như: Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; tình trạng học sinh bỏ học ở các bậc học; chất lượng thi cử; chất lượng đội ngũ giáo viên và các chính sách đãi ngộ cho giáo viên; vấn đề dạy nghề cho người lao động khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển các dự án; quản lý, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch huyện Phổ Yên đã làm rõ những nội dung Đoàn yêu cầu. Đồng thời kiến nghị một số vấn đề như: Chính phủ nên sớm nâng mức giá trị đầu tư xây dựng cơ bản do bị trượt giá; tiếp tục hỗ trợ các địa phương kiên cố hóa trường lớp học; thúc đẩy nhanh quá trình công lập hóa bậc học mầm non; có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ toàn diện người lao động ở nông thôn khi bị thu hồi đất sản xuất…

 

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Ngô Thị Minh đã biểu dương những nỗ lực của huyện Phổ Yên trong các mặt công tác nêu trên. Song cũng đề nghị huyện không nên quá chủ quan mà cần nhận định các vấn đề một cách cụ thể, sát với thực tế để có giải pháp, chiến lược phù hợp. Đối với các ý kiến, kiến nghị của huyện, các thành viên trong Đoàn sẽ tiếp thu, chuyển tới Quốc hội và các cơ quan Trung ương xem xét bổ sung, giải quyết.