Khảo sát tình hình và kiểm tra việc thực hiện Luật Báo chí

15:32, 30/09/2009

Ngày 30/9, Đoàn công tác của Bộ Thông tin - Truyền thông do đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí  làm Trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát tình hình thực thi Luật Báo chí hiện nay và lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí mới tại 2 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (ảnh).

 

Làm việc với Đoàn có đồng chí Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông; Ban Biên tập, Ban Giám đốc, các Trưởng phòng chuyên môn của Báo Thái Nguyên, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh.

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Hữu Lượng đã khái quát tình hình phát triển báo chí toàn quốc, quá trình soạn thảo Dự luật Báo chí trình Quốc hội vào thời gian tới. Theo đó, cả nước hiện có 709 cơ quan báo in với gần 900 ấn phẩm, 67 đài phát thanh - truyền hình. Mô hình tổ chức của một số tờ báo đang theo xu hướng tập đoàn báo chí (cơ quan báo chí nhiều loại ấn phẩm). Quá trình hoạt động của các cơ quan báo chí đã xuất hiện một số vướng mắc trong thực hiện Luật hiện nay như: Tập đoàn kinh tế không được phép ra báo. Dự thảo kiến nghị: những tập đoàn lớn của nhà nước được phép ra báo riêng. Cơ quan báo chí theo Luật cũ: Là cơ quan thực hiện 1 loại hình báo chí, nay không còn phù hợp, nhiều cơ quan báo chí hiện nay có 4 loại hình. Vấn đề tên gọi người đứng đầu cơ quan báo chí, liên quan đến trách nhiệm cần được quy định cụ thể hơn. Các vấn đề khác như: Cơ quan chủ quản, người đứng đầu, mô hình tổ chức, giấy phép và điều kiện thành lập cơ quan báo chí, vấn đề liên kết, tài chính, quảng cáo, xuất nhập khẩu báo chí, họp báo… cũng đang cần điều chỉnh để phù hợp với phát triển báo chí trong tình hình mới.

 

Là những người trực tiếp quản lý, làm báo, đại diện Sở Thông tin - truyền thông, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tham góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật nhằm làm rõ một số khái niệm, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tác nghiệp hiện nay, đó là: quy định rõ hơn về trách nhiệm của người phát ngôn để tạo thuận lợi cho nhà báo khi lấy thông tin; thành lập Quỹ Báo chí cần rõ ràng hơn về cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người làm báo, cơ quan báo chí; làm rõ khái niệm tên gọi các cơ quan báo chí TW và địa phương; cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài chính, ưu đãi miễn giảm thuế đối với cơ quan báo chí địa phương; quy định chặt hơn về văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí khác trên địa bàn; các đài phát thanh - truyền hình cấp huyện hiện nay không được đặt trong hệ thống cơ quan báo chí trong khi những người làm báo ở đây được cấp Thẻ Nhà báo nên còn bất cập trong việc quản lý; việc lưu chương trình phát thanh - truyền hình 30 ngày hiện nay là khó thực hiện vì cơ sở vật chất của các đài hạn chế, không đủ dung lượng lưu trữ theo quy định…

 

Đồng chí Cục Trưởng Cục Báo chí đã trao đổi làm rõ một số vấn đề đồng thời ghi nhận những ý kiến các nhà báo đã đóng góp vào dự thảo luật, Cục Báo chí cùng với Ban soạn thảo Luật sẽ tiếp thu, xem xét để bổ sung vào dự thảo, trình Quốc hội trong thời gian tới.

 

Đoàn công tác thăm phòng Thư ký Xuất bản Báo Thái Nguyên.