Lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật

10:29, 08/09/2009

Tiếp tục chương trình lấy ý đóng góp vào các Dự án luật, sáng ngày 8/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện một số ban, ngành, đoàn thể vào Dự thảo luật Dân quân tự vệ. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Sau khi nghiên cứu Dự thảo luật Dân quân tự vệ (9 chương, 68 điều) do Ban soạn thảo cung cấp, đại diện một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến bằng văn bản. Ngoài ra, các đại biểu dự Hội nghị còn tham gia nhiều ý kiến trực tiếp về một số nội dung như: Cần làm rõ khái niệm dân quân, tự vệ và nên thêm dấu phẩy vào giữa hai cụm từ này; nâng cao mức hỗ trợ cho lực lượng dân quân, tự vệ để phù hợp với thực tế; khái niệm thôn đội trưởng nên có ghi chú cụ thể là cấp xóm đối với các xã và tổ dân phố đối với phường, thị trấn; mối quan hệ giữa cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị tự vệ với cấp ủy, chính quyền địa phương phải được làm rõ hơn; nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách để duy trì các hoạt động thường xuyên, đột xuất của lực lượng dân quân, tự vệ là của Trung ương hay của các địa phương cần chỉ rõ; độ tuổi tham gia dân quân phải có một mốc cụ thể không nên để chủ tịch UBND xã có quyền quyết định như Dự thảo Luật đã nêu; làm rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định về tổ chức diễn tập cho tự vệ trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

 

Kết thúc Hội nghị, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu để tổng hợp thành văn bản gửi Ban soạn thảo Dự thảo luật Dân quân tự vệ xem xét bổ sung những ý kiến có giá trị trước khi trình Quốc hội thông qua.

 

* Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện một số ban, ngành, đoàn thể vào Dự thảo luật Khám, chữa bệnh.

             

Dự thảo luật Khám, chữa bệnh gồm 9 chương,  89 điều được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật trước đây và bổ sung những vấn đề mới phát sinhh nhằm điều tiết tương đối hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.

 

Tại Hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh định hướng một số nội dung cần đóng góp theo đề nghị của Ban soạn thảo Dự án luật Khám, chữa bệnh, các đại biểu đại diện cho một số ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các cơ sở y tế đóng trên địa bàn đã đóng góp nhiều ý kiến như:  Cần đảm bảo đủ nguồn lực chi cho hoạt động khám, chữa bệnh; phân cấp cụ thể trách nhiệm trong khám, điều trị bệnh giữa các tuyến; nên bổ sung chế độ ưu tiên trong khám, điều trị bệnh cho người cao tuổi; không nên thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ cán bộ y tế đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập; cần làm rõ quy định cán bộ y tế trong biên chế Nhà nước có được khám, điều trị bệnh tại nhà hay không; cần phân biệt cụ thể y tế công lập và y tế tư nhân; việc phân tuyến kỹ thuật không nên thực hiện một cách máy móc mà nên theo hướng mở dựa trên cở sở đặc thù từng vùng; nên xây dựng Quỹ Khám, chữa bệnh dựa trên nguồn lực đầu tư của Nhà nước và một phần thu từ viện phí; xây dựng chế độ đãi ngộ đặc thù cho cán bộ làm công tác y tế;  cấp 100% kinh phí từ ngân sách để trả lương cho cán bộ y tế ở các cơ sở y tế công lập…

 

Đây là một trong những Dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các ban, ngành, đoàn thể nên cán bộ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập hợp các ý kiến không trùng lập thành văn bản gửi tới Ban soạn thảo Dự thảo luật Khám, chữa bệnh xem xét bổ sung.