Lấy ý kiến vào các Dự án Luật

15:29, 07/09/2009

Ngày 7/9, Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về Dự án Luật Viễn thông, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

 

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).

 

Dự thảo Luật Viễn thông gồm 10 chương, 63 điều. Dự thảo Luật thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông vì hệ thống pháp lý của lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong môi trường cạnh tranh. Luật sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng, tăng cường quản lý Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

 

Tại Hội nghị, đã có 10 ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật Viễn thông, như: Dự thảo Luật quy định còn chung chung, đề nghị quy định thật cụ thể, dễ hiểu cho toàn dân thực hiện. Cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về vấn đề an ninh mạng. Đề nghị bổ sung khoản quy định về tiết kiệm tài nguyên viễn thông. Nhà nước cần quy định về việc đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghệ viễn thông, chỉ cấp phép đầu tư cho những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến. Đề nghị nên phát triển theo hướng xây dựng tập đoàn viễn thông mạnh. Đề nghị làm rõ doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông có được kinh doanh viễn thông hay không?...  

 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia Hội nghị, đồng thời đề nghị các đại biểu cũng như nhân dân tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến đóng góp bằng văn bản gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, qua đó Đoàn tổng hợp các ý kiến báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

*Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã lấy ý kiến tham gia xây dựng Dự án Luật Người cao tuổi.

 

Luật Người cao tuổi gồm 6 chương, 31 điều. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Hội Người cao tuổi Việt Nam. Luật áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên...

 

Tại Hội nghị, đa số các ý kiến đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Người cao tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng chưa cấp bách ban hành Luật, mà cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh người cao tuổi, và tổ chức thi hành tốt văn bản này.

 

Về đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, có ý kiến đề nghị đối tượng là người cao tuổi không có thu nhập mà cô đơn hoặc người còn vợ, còn chồng mà không có người phụng dưỡng; người cao tuổi tàn tật hoặc bị bệnh mà không có khả năng tự phục vụ; người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thuộc độ tuổi do Chính phủ quy định. Hội Người cao tuổi là tổ chức xã hội, không nên là tổ chức chính trị xã hội. Không nên ràng buộc thêm trách nhiệm nặng nề đối với người cao tuổi, để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ... thêm từ ‘‘chính trị’’ sẽ mất đi tính chính trị xã hội...

 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào Dự thảo Luật Người cao tuổi. Đồng chí đề nghị các đại biểu cũng như nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu Dự thảo Luật, sớm có văn bản đóng góp ý kiến gửi tới Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội để tổng hợp, báo cáo với Văn phòng Quốc hội.