Thái Nguyên sẽ triển khai trồng nấm trên diện rộng

08:36, 20/09/2009

Ngày 19/9, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Phát triển sản xuất nấm tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đại diện Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam; đại diện các sở ban ngành, các huyện của tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng.

 

Nấm là một loại cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao, quy trình sản xuất dễ áp dụng để tạo ra sản phẩm an toàn, hiệu quả, bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn hiện nay. Theo dự thảo Dự án phát triển sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015, Thái Nguyên phấn đấu đến 2015 sản xuất được tổng sản lượng từ 15 nghìn đến 20 nghìn tấn nấm. Sau năm 2015, tỉnh phấn đấu đạt năng suất trung bình 10 nghìn tấn nấm/năm. Để đạt được mục đích đó, tỉnh sẽ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa, lợi ích của nấm; quy hoạch phát triển các gia trại, trang trại, công ty chuyên sản xuất nấm đồng thời khuyến khích nông dân tận dụng nguyên liệu sản xuất tại chỗ; thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, sản xuất giống nấm, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nấm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để tạo điều kiện phát triển nghề trồng nấm…

 

Phạm vi của Dự án được triển khai trên toàn tỉnh. Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng 4 mô hình sản xuất nấm tập trung ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên với các quy mô gia trại diện tích từ 200 đến 500 m2, trang trại diện tích từ 1 nghìn đến 2 nghìn m2 và công ty diện tích trên 2 nghìn m2. Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) cung cấp giống nấm, một số vật tư cần thiết, kỹ thuật chăm sóc, thu hái… để có thể trồng ngay được các loại nấm dễ trồng, dễ thích nghi. Về chính sách hỗ trợ, theo dự thảo dự án thì Dự án sẽ hỗ trợ một phần cho người trồng nấm về đất sản xuất, kinh phí xây dựng lán trại, kinh phí tập huấn, chuyển giao, giống nấm, vật tư trồng nấm…

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về hướng phát triển nấm tại Thái Nguyên. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, để phát triển cây nấm bền vững thì tỉnh cần phải phát triển thành nghề trồng nấm. Để làm được điều này thì trước tiên cần phải tuyên truyền thật rộng rãi để người dân hiểu được và chấp nhận cây nấm như là thực phẩm ăn hằng ngày, qua đó tạo được thị trường tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật cho rằng, bên cạnh khuyến khích phát triển nghề trồng nấm theo quy mô gia trại, trang trại thì tỉnh cần chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp có quy mô lớn phát triển. Doanh nghiệp phát triển mạnh thì sẽ đầu tư các dây truyền chế biến hiện đại. Khi đó các cơ sở này sẽ trở thành đầu mối chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hơn. Đại diện Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật cũng cam kết sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thái Nguyên trong chuyển giao công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực, cung cấp giống, kỹ thuật… Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để tổ chức sản xuất có hiệu quả thì Thái Nguyên cần chọn những loại sản phẩm dễ trồng, dễ chăm sóc để triển khai trước. Khi đã sản xuất có hiệu quả thì mới tiến tới trồng các loại nấm cao cấp, có giá trị kinh tế cao như nấm Kim châm, Đùi gà, Ngọc châm… bởi đây là những giống đòi hỏi kỹ thuật cao và chi phí đầu tư lớn.

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Đặng Viết Thuần cho rằng cây nấm không xa lạ với Thái Nguyên. Tuy nhiên, trước đây, các địa phương và các ngành chưa mạnh dạn nghiên cứu, khuyến khích người dân trồng nấm. Đồng chí Đặng Viết Thuần cũng cho rằng, với hơn 100 nghìn ha lúa, 11 nghìn ha ngô mỗi năm và 93 nghìn ha rừng trồng cộng với nhiều điều kiện thuận lợi khác, Thái Nguyên hoàn toàn đủ cơ sở để triển khai trồng nấm trên diện rộng. Vì vậy, đồng chí đề nghị tất cả các ngành, các cấp đều phải thực hiện Dự án phát triển nghề trồng nấm. Đối với các huyện chưa có nghị quyết phát triển cây nấm thì phải sớm xây dựng nghị quyết để triển khai cho kịp thời vụ năm 2009. Đồng chí Đặng Viết Thuần cũng lưu ý công tác đạo nghề của Dự án phải thiết thực và đảm bảo được mục đích. Các địa phương tổ chức học thì phải học ở các cơ sở đào tạo gắn với thực hành sản xuất. Đồng chí cũng đề nghị Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và các trung tâm trực thuộc tạo điều kiện hỗ trợ Thái Nguyên về giống, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đồng thời đưa Thái Nguyên vào Chương trình Sản xuất nấm Quốc gia.