UBND tỉnh: Hội thảo về phát triển, sản xuất giống lúa lai

17:53, 08/10/2009

Chiều ngày 8/10, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo về phát triển, sản xuất giống lúa lai trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Trồng trọt, các viện, trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; các công ty kinh doanh mặt hàng vật tư, nông nghiệp của các tỉnh Bắc Kạn, Nam Định, Tuyên Quang; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các huyện, thành, thị trong tỉnh… Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo đã đánh giá kết quả sản xuất giống lúa lai F1 được Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên phối hợp Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Sinh học nông nghiệp, Viện Nghiên cứu lúa và Công ty TNHH Cường Tân Nam Định đưa vào gieo trồng trong vụ mùa tại 2 huyện Phú Lương và  Phú Bình. Trong đó, tổ hợp lúa lai VL 24 được đưa vào gieo trồng trên diện tích 9,5 ha tại huyện Phú Lương; lúa lai TH 3-3 được đưa vào gieo trồng trên diện tích 23,6 ha tại huyện Phú Bình. Gần 250 hộ nông dân đã tham gia sản xuất các tổ hợp lúa lai này.

 

Qua quá trình sinh trưởng, phát triển cho thấy lúa phát triển tốt, hiện nay đã vào thời kỳ chắc hạt, năng suất dự ước đạt 26,5 tạ/ha. Qua ý kiến tham gia của các nhà khoa học tại Hội thảo thì kết quả sản xuất giống lúa lai F1 trong vụ mùa của Thái Nguyên như vậy là thành công. Được biết, 1 kg giống lúa lai F1 của bà con được các công ty liên doanh, liên kết sản xuất giống lúa này đổi bằng 3kg thóc thịt, mỗi héc - ta cấy lúa lai F1 sẽ cho thu nhập cao gấp 2, 3 lần so với cấy giống lúa thuần Khang dân.

 

Việc sản xuất thành công giống lúa lai F1 trên địa bàn tỉnh giúp bước đầu cân đối được một phần nhu cầu hạt giống lúa lai của nhân dân, tiến tới chủ động về cơ bản một số giống lúa chủ lực phục vụ sản xuất trên địa bàn. Đồng thời xây dựng được lực lượng cán bộ kỹ thuật nòng cốt trong nông dân tại các địa phương liên kết sản xuất giống lúa này.

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc đưa các giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng trên địa bàn là cần thiết khi mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để nhường đất cho các khu công nghiệp như hiện nay. Hơn nữa, đây là mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong lĩnh vực sản xuất giống cây lương thực có hiệu quả, cần được phát huy và nhân rộng trên địa bàn…