UBND tỉnh kiểm tra tại các đơn vị

15:27, 27/10/2009

Tiếp tục chương trình kiểm tra của UBND tỉnh tại các sở, ngành, địa phương, sáng  27/10, đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại Sở Công Thương.

 

Báo cáo đánh giá của Sở Công Thương về thực hiện một số chỉ tiêu công nghiệp, thương mại trên địa bàn hơn 9 tháng qua cho thấy: Giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh đạt trên 7,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 73,8% kế hoạch năm; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 23,3% cùng kỳ, bằng 78,1% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu đạt 50 triệu USD, giảm 47,8% cùng kỳ. Cũng trong 9 tháng qua, lực lượng chức năng của Sở đã tiến hành kiểm tra trên 1 nghìn vụ việc liên quan đến lĩnh vực quản lý thị trường, trong đó  xử lý 917 trường hợp…

 

Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp tỉnh quản lý tốt hơn các mảng về thăm dò, khai thác, chế biến khóang sản; quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu, điện lực, các khu, cụm công nghiệp; quản lý thị trường, bình ổn giá cả…

 

Về các giải pháp trong hai tháng tháng cuối năm 2009, Sở chỉ đạo tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp rà soát, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sở cùng sẽ tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; xây dựng và trình thông qua các quy hoạch phát triển công nghiệp lâu dài; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế, gian lận thương mại…

 

Sở Công Thương cũng đã đề ra các chỉ tiêu kế hoạch và giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn năm 2010 và cả giai đoạn 2011-2015.

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, thời gian tới ngành Công Thương cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch công nghiệp, công bố quy hoạch, thực hiện quy hoạch; tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp thông qua các dự án hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Ngoài ra, Sở cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề phục vụ các dự án trên địa bàn, tập trung phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề. Đồng thời, quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu nội ngành công thương, chú trọng đến ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong thực hiện các dự án đầu tư sao cho đúng thiết kế, phù hợp quy hoạch chung. Đồng chí cũng cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của Sở Công Thương.

 

* Sáng 27/10, Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trường đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh

 

Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành thành viên đã báo cáo kết  quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua; kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển ngành, nghề mới ở nông thôn trong năm 2010. Trong đó, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch của ngành được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch như: tổng sản lượng lương thực cây có hạt của năm 2009 ước đạt trên 408 nghìn tấn, vượt 2% so với kế hoạch; diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt gần 70 nghìn héc-ta, vượt 3,7% so với kế hoạch; năng suất lúa cả năm đạt 48,85tạ/ha, vượt 1,2% so với kế hoạch; diện tích rừng trồng mới theo Dự án 661 đạt trên 5.000 ha, vượt 11% so với kế hoạch…

 

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu còn đạt chưa cao như: diện tích trồng ngô trên 17,3 nghìn héc-ta, đạt 99,2% kế hoạch, năng suất ngô 38,72tạ/ha, đạt 96% kế hoạch… Đối với công tác xây dựng cơ bản, trong năm 2009, Sở và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư 77 dự án, đến ngày 31/9, tiến độ giải ngân mới đạt 66%. Trong triển khai một số chương trình trọng điểm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mới giải ngân được 70% (kế hoạch giao là 13,6 tỷ đồng…

 

Về kế hoạch năm 2010, ngành phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 6,5%; giá trị sản phẩm trên 1 héc-ta đất nông nghiệp đạt 51 triệu đồng (theo giá hiện hành); giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 7% so với thực hiện của năm 2009; tăng mạnh diện tích lúa lai (hiện diện tích lúa lai của tỉnh mới đạt 11%); trồng mới 600ha chè; trồng rừng tập trung theo Dự án 661: 6.386ha, trồng cây phân tán: 800ha, phấn đấu nâng độ che phủ của rừng lên 50%; khai thác trên 4.500ha mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng 4.600 tấn thuỷ sản các loại…

 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và PTNT phải chỉ đạo toàn ngành hoạt động hiệu quả và làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực: Đổi mới toàn diện trong sản xuất nông nghiệp; phát triển một số nghề mới như trồng nấm; phát triển rừng… Đồng chí chỉ đạo ngành phải lưu ý thực hiện Công văn 1776 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo một số chương trình trọng điểm của ngành trên địa bàn tỉnh, trong đó, Sở  phải bám sát tình hình, chỉ đạo toàn diện các mặt thuộc nhiệm vụ của ngành; rà soát lại kế hoạch năm 2010 của Sở, cấp huyện và các đơn vị thành viên theo hướng phát triển nhanh, bền vững gắn với ứng dụng KHKT; tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp để chỉ đạo tăng nhanh sản xuất lúa lai trên địa bàn… Đồng thời, ngành phải thực hiện tốt kêu gọi đầu tư cho các dự án; thành lập Ban Chỉ đạo Sản xuất nông nghiệp; củng cố lại các phòng của Sở, trong đó chú ý đến công tác cán bộ…

 

* Buổi chiều cùng ngày, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn đại biểu của UBND tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2009 của Sở.

 

Các thành viên của Đoàn kiểm tra đã nghe lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả các mặt công tác của đơn vị trong 9 tháng năm 2009, phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm; những khó khăn, thuận lợi trong công tác chuyên môn và các ý kiến, kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh. Qua báo cáo cho thấy hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của Sở trong 9 tháng năm nay đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng chỉ tiêu xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm theo Chương trình nguồn vốn 120 đạt thấp vì lý do suy thoái kinh tế và một số hạn chế trong quá trình triển khai.

 

Sau khi đã nghe các nội dung nêu trên, lãnh đạo tỉnh và các thành viên trong đoàn kiểm tra đã đề nghị lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ một số nội dung như: Những nét mới trong công tác chỉ đạo, thao tác nghiệp vụ từng lĩnh vực mà ngành đang đảm trách; các mô hình mới trong tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn; giải pháp cụ thể trong công tác giảm nghèo; giải quyết chính sách cho các đối tượng có công… Những vấn đề nêu trên đã được đại diện đơn vị báo cáo bổ sung để làm rõ theo đề nghị của các thành viên đoàn kiểm tra.

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Viết Thuần đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được từ đầu năm đến nay. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh phối hợp với Sở để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị này đang kiến nghị và cũng yêu cầu Sở cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ an sinh xã hội trên địa bàn; tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, giới thiệu việc làm; chuẩn bị tốt cho sự kiện Tuần lễ quốc gia về An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ quốc gia được tổ chức tại Thái Nguyên năm 2010; thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn vốn 120; phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành đánh giá chính xác về hộ nghèo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những vấn đề nổi cộm liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của ngành để nhân dân hiểu, chia sẻ…

 

* Cũng trong buổi chiều ngày 27/10, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Giao thông - Vận tải.

 

Theo báo cáo của Sở, công tác giao thông, vận tải trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2009 được tỉnh xác định là năm "Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là khâu đột phá; năm tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính để thu hút đầu tư". Do đó, các cấp, ngành, địa phương đã vào cuộc tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông, vận tải trên địa bàn, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện, tỷ lệ mặt đường bê tông xi măng, nhựa nối với Quốc lộ đạt 100%, tỉnh lộ 88,6%, nội thị 86,8%, liên huyện 45,7%; liên xã 24,3%; tăng cường kiểm tra, rà soát các điều kiện kinh doanh, năng lực vận tải của các doanh nghiệp; chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng xe ca, xe buýt, taxi; quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đúng quy trình. Trên lĩnh vực an toàn giao thông, mặc dù ngành đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn gia tăng trên cả 3 tiêu chí, tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh xảy ra 151 vụ TNGT đường bộ, 2 vụ TNGT đường sắt làm 161 người chết, 146 người bị thương)…

 

Trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, Sở đã kịp thời tham mưu với UBND tỉnh tranh thủ vận động các nguồn vốn, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, như: Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 3 cũ Hà Nội - Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 37 đoạn cầu Ca - Phố Hương; dự án Quốc lộ 3 tuyến tránh T.P Thái Nguyên… Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều mặt còn hạn chế, như: tiến độ thi công và giải ngân một số công trình, dự án còn chậm; một số công trình việc chuẩn bị đầu tư còn kéo dài, thi công tiến độ chậm, năng lực của các đơn vị tư vấn lập dự án còn hạn chế…

 

Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 Sở Giao thông - Vận tải đưa ra là: xây dựng thêm 3 bến xe khách tại T.P Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn bến loại 1; mỗi huyện xây dựng 1 bến xe tại khu vực trung tâm đạt tiêu chuẩn loại 4 trở lên; xây dựng thêm 2 tuyến đăng kiểm xe cơ giới; xây dựng xong tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên theo tiêu chuẩn cao tốc; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn từ cầu Đa Phúc đến T.P Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn cấp II; xây dựng đường hầm xuyên Tam Đảo kết hợp với đường vành đai 5 Hà Nội; xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 1 và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường vành đai 2 để xây dựng trong giai đoạn tiếp theo theo tiêu chuẩn đường cấp 4, mặt đường rải bê tông nhựa…

 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quốc Vượng đã ghi nhận những nỗ lực mà ngành Giao thông - Vận tải triển khai, thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở những dự án trọng điểm. Đồng thời cũng lưu ý: Sở cần quan tâm hơn nữa đến tiến độ thi công và giải ngân các dự án; tăng cường các biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn giao thông bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động và cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn phương thức và nhà đầu tư để việc triển khai các dự án được thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả; phối kết hợp với các sở, ngành chức năng và những nhà đầu tư có năng lực để huy động được các nguồn vốn, xây dựng các công trình giao thông; quan tâm hơn nữa đến công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giao thông, mà cụ thể là trong việc đầu tư xây dựng các bến xe…