Việc quyết định thành lập trường ĐH chưa nên giao cho Bộ trưởng

07:41, 24/10/2009

Chiều 23/10, Chính phủ đã trình bày trước các đại biểu QH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong số 27 điều được đề nghị sửa đổi, bổ sung, Ủy ban thẩm tra của QH chỉ nhất trí 12 điều.

 

Đề nghị luật hóa phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

 

Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 1 mục vào Chương VII gồm 3 điều mới liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục.

 

Các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung bao gồm: khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 11, Điều 13, Điều 16, khoản 3 Điều 29, khoản 2 Điều 35, khoản 4 Điều 38, khoản 2 Điều 41, Điều 42, Điều 49, Điều 50, điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 58, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 70, Điều 74, Điều 78, Điều 80, khoản 4 Điều 100, Điều 108, Điều 109, bãi bỏ khoản 6 Điều 43, sửa tên mục 3 Chương IV.

 

Đáng chú ý trong số các nội dung sửa đổi, bổ sung là những quy định về chương trình giáo dục; phổ cập giáo dục; thẩm quyền thành lập trường ĐH…

 

Về phổ cập giáo dục, để có cơ sở triển khai giải pháp tập trung cho trẻ 5 tuổi có điều kiện chuẩn bị bước vào học lớp 1, Dự án Luật đề xuất bổ sung quy định “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi”. Đây là yêu cầu có tính pháp lý cao, cần có sự ổn định và thực hiện lâu dài, huy động nguồn lực lớn các lực lượng xã hội tham gia, cần được xác định rõ ngay trong Luật này.

 

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học bình quân cả nước là 90%, tuy nhiên, nhiều nơi mới đáp ứng được học một buổi một ngày và nhiều tỉnh có tỷ lệ thấp hơn đáng kể. Việc sửa đổi Luật theo hướng này tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả cho nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng.

 

Về sách giáo khoa, Chính phủ đề nghị bổ sung tiếp theo khoản 3 Điều 29 một đoạn như sau: “... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa; việc chọn sách để dạy thí điểm, tổ chức dạy thí điểm, lấy ý kiến đóng góp của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, hội nghề nghiệp, học sinh; việc thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm sách giáo khoa, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt”.

 

Trong phần giải trình, Chính phủ cho rằng, đề xuất bổ sung quy định trên đây nhằm góp phần bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa và quản lý tốt hơn việc biên soạn, ban hành sách giáo khoa. Nhiệm vụ của các trường chuyên biệt như trường năng khiếu, trường giáo dưỡng, trường dành cho người tàn tật, khuyết tật, trường dự bị đại học có điểm khác so với cơ sở giáo dục phổ thông nói chung, do đó sách giáo khoa dùng để giảng dạy trong các trường chuyên biệt cần có quy định phù hợp với người học tại các cơ sở giáo dục này.

 

Liên quan đến quy định về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Theo Chính phủ, việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thủ tướng Chính phủ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, quy định về việc thành lập trường đại học nói chung, còn việc quyết định thành lập và giao nhiệm vụ đối với từng trường thì thẩm quyền này được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, việc thành lập những trường đại học có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập.

 

Những trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập sẽ được quy định cụ thể tại văn bản quy định về điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

Không nhất trí giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyền quyết định  thành lập trường ĐH

 

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ cơ bản nhất trí với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 cũng như đề án tổng thể về cải cách giáo dục.

 

Về những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, Ủy ban nhất trí về cơ bản với các đề nghị và luận cứ trình bày trong Tờ trình của Chính phủ đối với 12 trong tổng số 27 điều khoản được sửa đổi, bổ sung, cụ thể là: khoản 2 Điều 6 (về chương trình giáo dục); khoản 1 Điều 11 (về phổ cập giáo dục); Điều 13 (về đầu tư cho giáo dục); Điều 35, Điều 41 (về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học); điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 42 (về thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); Điều 49 (về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân); khoản 2 Điều 51 (về thẩm quyền sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường và đình chỉ hoạt động giáo dục); điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 69 (về thẩm quyền cho phép viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ thạc sĩ); Điều 74 (về thỉnh giảng).

 

Trong số các đề nghị mà Ủy ban chưa tán thành, đáng chú ý có nội dung về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học (khoản 1 Điều 51). Cơ sở để Ủy ban không nhất trí với việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyền quyết định thành lập trường, vì việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế, do đó thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

 

Tuy nhiên, Uỷ ban ủng hộ việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thẩm quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

 

Với đề nghị thay đổi quy định về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (Điều 29), Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng, một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua, đó là: việc xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong cộng đồng chuyên môn cũng như trong xã hội nói chung; Luật chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với chương trình giáo dục và tiêu chuẩn về sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục, sách giáo khoa. Do đó, việc bổ sung quy định như Dự thảo Luật là cần thiết, nhưng chưa đủ.

 

Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ đề nghị quy định ngay trong Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các Hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng “quá tải” về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.          

 

Ngoài những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn về học phí, phí dịch vụ; quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và bổ sung chế tài trong một số quy định của Luật.