Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ

16:57, 16/11/2009

Ngày 16/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp hội nghị thường kỳ tháng 10 để nghe, cho ý kiến chỉ đạo nội dung kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XI; đánh giá kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá X), công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số...

 

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, dự kiến kỳ họp lần thứ 13 sẽ tổ chức từ ngày 9 đến 12/12. Kỳ họp sẽ nghe và cho ý kiến vào trên 30 báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thường kỳ. Các nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp này là Nghị quyết về thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh; Nghị quyết thông qua đề án giải thể thị trấn nông trường: Bắc Sơn - Phổ Yên, Sông Cầu - Đồng Hỷ và Quân Chu - Đại Từ; điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các thị trấn Bắc Sơn, Sông Cầu và Quân Chu; thành lập phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên); quy định về thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và cơ chế hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Về báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá X) và giám sát việc thực hiện Kết luận số 68-KL/TU ngày 21/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Đề án 'Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010" cho thấy: qua hơn 2 năm triển khai thực hiện bộ máy các cơ quan đã được sắp xếp lại cho phù hợp, biên chế hành chính từng bước được tinh giản gọn nhẹ, cải cách một bước về lề lối làm việc và thủ tục hành chính, tài chính công được sử dụng hiệu quả hơn. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đến nay 14/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa. Kết quả đã tiếp nhận 17.035 hồ sơ, giải quyết được 16.856 hồ sơ, số hồ sơ trả chậm là 100 hồ sơ.

 

Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, một số mục tiêu của Nghị quyết TW 5 (khoá X) và Đề án của tỉnh đề ra hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát công vụ, công chức chưa thực hiện thường xuyên…Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh đã báo cáo công tác chuẩn bị đại hội cấp tỉnh. Đến nay, các khâu chuẩn bị cho Đại hội cơ bản hoàn tất, dự kiến Đại hội có 390 đại biểu chính thức và tổ chức trong 02 ngày 17 và 18/12.

 

Đóng góp vào các báo cáo, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cơ bản nhất trí nội dung dự thảo. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất cao với những đánh giá trong báo cáo sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 và Đề án của tỉnh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng cơ bản còn rườm rà. Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung cấp cơ sở xử lý các hồ sơ tồn đọng nhiều. Chất lượng cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hành chính cho cán bộ các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Có ý kiến đề xuất xem xét chuyển bộ phận tiếp dân trực thuộc văn phòng chính quyền cấp tỉnh, huyện theo quy định của TW, như vậy các công việc chỉ đạo của lãnh đạo sẽ nhanh gọn hơn (hiện nay bộ phận này trực thuộc Thanh tra tỉnh). Thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để  nhân dân hiểu rõ từng thủ tục hành chính.  

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vượng cho rằng: Về cơ bản thống nhất với dự thảo nội dung kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 13. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý về mặt chủ trương thành lập Sở Ngoại vụ và Ban quản lý di tích danh thắng trực thuộc UBND tỉnh, giao cho UBND tỉnh xây dựng Đề án báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Từ nay đến kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chuẩn bị các báo cáo chu đáo, các ban của HĐND tỉnh tổ chức thẩm định kỹ trước khi trình tại kỳ họp. Về báo cáo kiểm tra thực hiện Nghị quyết TW 5, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy Nhà nước đã được nâng lên. Một số thủ tục không còn phù hợp được rà soát, bãi bỏ. Hiệu quả bộ phận một cửa, một cửa liên thông được nâng lên rõ rệt theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính và được nhân dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Các cơ quan, ban, ngành ứng dụng mạnh CNTT vào giải quyết công việc hiệu quả hơn. Tài sản công được sử dụng tiết kiệm. Môi trường đầu tư cải thiện.

 

Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém đó là ở một số cơ quan, cán bộ nhận thức chưa đầy đủ nên trong giải quyết công việc thiếu tinh thần trách nhiệm, có việc để kéo dài. Trong đánh giá cán bộ còn có sự nể nang, khen chê chưa rõ ràng. Năng lực của một bộ phận cán bộ bất cập, nhất là cơ sở. Sự phối hợp giữa các cấp ngành còn hạn chế. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ còn nhiều khó khăn. Các khiếu kiện về thủ tục hành chính, các quyết định hành chính, khiếu nại tố cáo khác còn phức tạp, kéo dài. Vì thế, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế hành chính, cải cách hành chính. Cải cách hành chính không chỉ riêng cơ quan Nhà nước mà cả khối Đảng, đoàn thể nhằm tạo sự đồng bộ trong giải quyết các công việc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước.