Giám sát công tác quản lý Nhà nước về các di tích lịch sử, văn hóa

08:22, 12/11/2009

Ngày 11/11, các đồng chí lãnh đạo Ban Văn hóa Xã hội- HĐND tỉnh đã có buổi kiểm tra, giám sát công tác quản lý Nhà nước về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Đại Từ.

 

Huyện Đại Từ hiện có 169 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó mới có 10 di tích được công nhận cấp tỉnh và quốc gia. Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo tồn và tôn tạo di tích được huyện quan tâm. Một số di tích được xây dựng và tu bổ đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của dân tộc, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh như: Di tích lịch sử Địa điểm công bố Ngày Thương binh - liệt sỹ toàn quốc (27-7-1947) ở xã Hùng Sơn; Địa điểm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( năm 1954) tại đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại …

 

Trong công tác quản lý di tích, danh thắng, Đại Từ không để xảy ra hiện tượng ln chiếm, xâm phạm di tích trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm. Năm 2008, huyện đã phát hiện 3 di vật tại các xã Văn Yên, Phú Cường, La Bằng chuyển về các cơ quan chức năng theo quy định; lập 2 hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh gồm Di tích đình, chùa Cù Vân và Di tích đình, chùa Trung Đài (xã Cù Vân). Trong công tác trùng tu tôn tạo di tích, huyện phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các ban, ngành liên quan và các xã, thị trấn thực hiện tốt các đề án theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...

 

Tại buổi giám sát, huyện Đại Từ cũng đã nêu những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về các di tích lịch sử, văn hóa: Công tác khoanh vùng chỉ giới di tích đã được tổng kiểm kê nhưng chưa được thực hiện; việc lưu giữ các loại hình văn hóa phi vật thể và gắn lưu giữ văn hóa truyền thống với phát triển du lịch chưa được quan tâm; một số điểm di tích đã xây dựng bia di tích với kinh phí hàng trăm triệu đồng, song chưa lập hồ sơ khoa học công nhận di tích…

 

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) kết luận: Để đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, huyện Đại Từ cần thành lập ngay Ban Quản lý các di tích cấp huyện; tăng cường công tác quy hoạch, tích cực thu thập tài liệu, lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận các di tích; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của huyện, nâng cao nhận thức của toàn dân về bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tôc; thực hiện xã hội hóa xây dựng các di tích…