Sáng 24/11, tại xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên. Đường có tổng chiều dài tuyến chính là 61,3 km, quy mô 4 làn xe, đi qua huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (T.P Hà Nội), T.X Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Phổ Yên, T.XSông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên)...
[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]
Đến dự Lễ khởi công có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Hồ Đức Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba; Hồ Nghĩa Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các bộ, ngành; đại diện Tổ chức JICA của Nhật Bản và đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 1…
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, các ban Đảng, đại diện các sở, ban, ngành...
Các đại biểu tham dự buổi lễ đã được nghe đại diện Bộ Giao thông - Vận tải, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Nhật bản tại Việt Nam, đại diện Tổ chức JICA Nhật Bản (tổ chức cho vay vốn ODA), UBND tỉnh Thái Nguyên và đại diện các nhà thầu phát biểu việc triển khai Dự án. Theo đó: Dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (còn gọi là Dự án Quốc lộ 3 mới) là Dự án đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện mạng lưới giao thông đường bộ và ngành Giao thông - Vận tải Việt
Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài tuyến chính là 61,3 km, quy mô 4 làn xe, đi qua các địa phận huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn (T.P Hà Nội), thị xã Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công và T.P Thái Nguyên (Thái Nguyên). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/giờ, được chia làm hai giai đoạn thực hiện với tổng mức đầu tư trên 8.104 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản là gần 6.100 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam trên 2.000 tỷ đồng. Dự án được chia thành các gói thầu xây lắp và gói thầu ITS (Trung tâm quản lý điều hành, hệ thống thu phí, hệ thống giám sát và thông tin liên lạc), dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2012. Công tác tuyển chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp thuộc Dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB). Do tính chất quan trọng của Dự án nên Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin trực tiếp làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý Dự án 2 là cơ quan thực hiện.
Đối với Thái Nguyên, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải có Quyết định số 1387/QĐ-BGTVT ngày 11-5-2007 về việc tách phần giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án giai đoạn I thành Tiểu dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh làm chủ đầu tư (đoạn qua Thái Nguyên có tổng chiều dài 29,2 km, qua 13 xã, phường, thị trấn của 3 địa phương là huyện Phổ Yên, T.X Sông Công và T.P Thái Nguyên; tổng diện tích đất thu hồi trên 209 ha với tổng số 2.680 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án), UBND tỉnh đã quyết định thành lập ngay Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) của tỉnh và giao cho Sở Giao thông - Vận tải là cơ quan thường trực, cùng với các cơ quan chuyên môn hàng tháng tổ chức họp với Ban GPMB của các địa phương để kiểm điểm tiến độ và kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp tốt với chủ đầu tư và các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành, thị tổ chức công bố Dự án và chủ trương thu hồi đất; thành lập Hội đồng Bồi thường GPMB cấp huyện, thành, thị; thành lập tổ công tác giúp việc Hội đồng Bồi thường GPMB cùng cấp; nhận bàn giao các cọc mốc GPMB và tổ chức tập huấn công tác GPMB cho các tổ chức, cá nhân liên quan; in ấn tài liệu và tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chế độ chính sách bồi thường GPMB và tái định cư tới toàn thể nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án…
Đến đầu tháng 11/2009 công tác bồi thường GPMB các tuyến chính và các khu tái định cư của Dự án đã đạt gần 99% khối lượng công việc; gần 2.670 hộ đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; công tác xây dựng và giao đất cho các hộ dân ở 19 khu tái định cư trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành…
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, các cơ quan tư vấn, thiết kế và UBND tỉnh Thái Nguyên để hoàn thành các phần việc quan trọng và tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường đúng theo dự kiến. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu và các tỉnh, thành phố nơi có tuyến đường đi qua cần chủ động phối hợp, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án, bảo đảm thi công tuyến đường đúng tiến độ, đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Đặc biệt, đối với tỉnh Thái Nguyên cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và các nhà thầu có quỹ đất sạch để thi công…
Nhà thầu thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO 8) - Tổng Công ty Thăng Long (TLG) - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (TSC) - Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX). Khi tuyến đường hoàn thành sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của các tỉnh có tuyến đường đi qua nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.