Tháo gỡ khó khăn để thực hiện quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp

18:15, 14/11/2009

Ngày 13/11, tại trụ sở Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh ở KCN Sông Công, đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc của các ngành chức năng của tỉnh và Ban Quản lý các KCN để kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

 

Tham dự có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính; lãnh đạo UBND T.X Sông Công, Ban Quản lý các KCN tỉnh.

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 KCN tập trung được phê duyệt (với tổng diện tích là 1.420ha, đã thực hiện quy hoạch chi tiết được 413ha); số lượng các CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết là 16 cụm với tổng diện tích quy hoạch 510,99ha.

 

Về đầu tư hạ tầng cho các KCN: Đối với KCN Sông Công I, chủ đầu tư hạ tầng là Công ty Phát triển hạ tầng Thái Nguyên; diện tích quy hoạch giai đoạn I và II là 168,58ha, đã có quyết định thu hồi đất 70,3ha, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) được 71,19ha. Tổng vốn đầu tư hạ tầng ở KCN này là trên 81 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như đền bù GPMB, san lấp mặt bằng và xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải KCN. Đối với KCN Nam Phổ Yên, diện tích quy hoạch chi tiết khu B là 26,7ha, Công ty cổ phần Xuân Kiên VINAXUKI đã đầu tư GPMB, san lấp được khoảng 8ha và xây dựng nhà máy với kinh phí trên 100 tỷ đồng; diện tích quy hoạch chi tiết khu C là 48,5ha, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng là Công ty TNHH xây dựng Lệ Trạch - Đài Loan, đã GPMB 42ha, san lấp mặt bằng 1,5ha; tổng kinh phí đã đầu tư khoảng 49 tỷ đồng, trong đó kinh phí của nhà đầu tư là 6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh ứng trước 43 tỷ đồng. Đối với KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình) đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 170ha, hiện đang triển khai thống kê BTGPMB. Các KCN còn lại là Sông Công II, Tây Phổ Yên, Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đang trong giai đoạn triển khai các bước tiếp theo.

 

Về đầu tư hạ tầng các CCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hạ tầng cho 12 CCN. Đến nay CCN Đu - Động Đạt (Phú Lương) đã đền bù GPMB 25ha và đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng. Các CCN còn lại đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục thống kê BTGPMB.

 

Về kết quả thu hút đầu tư các dự án các KCN, CCN trên địa bàn, đến nay KCN Sông Công I đã thu hút 34 dự án đầu tư (chủ yếu là dự án nhỏ) với tổng vốn đăng ký trên 2.264 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện trên 1.300 tỷ đồng, có 24 dự án đã đi vào hoạt động (năm 2008 đạt doanh thu 2.400 tỷ đồng, nộp ngân sách 24 tỷ đồng; năm 2009 doanh thu dự kiến vẫn đạt 2.400 tỷ đồng nhưng nộp ngân sách ước chỉ đạt 15 tỷ đồng). Đối với các CCN, đến nay Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 25 dự án đầu tư vào các CCN, với tổng vốn đăng ký trên 1.700 tỷ đồng, vốn đã đầu tư là trên 300 tỷ đồng; doanh thu năm 2008 của các doanh nghiệp đạt trên 65 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 650 triệu đồng, thu hút và sử dụng lao động địa phương trên 400 người…

 

Tuy đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng đánh giá tổng thể quá trình hình thành và phát triển các KCN, CCN của tỉnh ta còn rất nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Theo ý kiến của các đại biểu dự cuộc làm việc, nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi lên là do từ năm 2008 trở về trước tỉnh ta chưa có nhà đầu tư mạnh về tiềm lực tài chính để đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật ở các KCN, CCN. Hệ thống quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh chậm phát triển, đặc biệt là Quốc lộ 3 chật hẹp, quá tải, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển SXKD của các doanh nghiệp nên nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà tìm đến với Thái Nguyên… Từ thực tế này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với tỉnh nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, CCN cũng như kết quả hoạt động SXKD của những doanh nghiệp đã đầu tư tại các KCN, CCN trên địa bàn.

 

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Qua đánh giá cho thấy hoạt động của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do các ngành chức năng và các địa phương chưa quyết liệt trong GPMB để giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, chưa thu hút được những nhà đầu tư mạnh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các KCN, CCN. Triển vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh ta để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Do đó cần triển khai nhanh các giải pháp khắc phục khó khăn để tỉnh ta trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụ thể, trước mắt cần rà soát lại việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu, CCN, xem xét khả năng thực tế của nhà đầu tư để có sự kê chỉnh nếu cần; yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương lập quy hoạch chi tiết các KCN. Đối với các KCN chưa có nhà đầu tư để lập quy hoạch chi tiết thì Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ thực hiện việc này. Khi lập quy hoạch chi tiết nhất thiết phảI có khu tái định cư, khu xây dựng nhà ở cho công nhân; cần quan tâm đặc biệt đến công tác xử lý nước, khí thải để bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở trong và ngoài hàng rào ở các KCN, CCN. Lựa chọn kỹ các doanh nghiệp đầu tư SXKD tại các KCN, CCN về năng lực tài chính, định suất đầu tư để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đối với các đề xuất, kiến nghị của Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND tỉnh sẽ xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp giải quyết. Qua đó nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh quá trình phát triển của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh…