Tính thuế đối với phần giá trị nhà ở vượt trên 500 triệu đồng

07:57, 07/11/2009

Chiều 6/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu và Dự án Luật thuế nhà, đất.

 

Thủy điện Lai Châu - công trình thủy điện lớn thứ 3 cả nước

 

Theo khảo sát, tiềm năng thủy điện Lai Châu chiếm 50% trữ năng thủy điện cả nước, đây là bậc thang trên của thủy điện Sơn La đang xây dựng. Với công suất thiết kế 1200 MW, khi đi vào vận hành đây sẽ là công trình thủy điện lớn thứ 3 trong cả nước với sản lượng trung bình 4,7 tỷ kWh/năm.

 

Thủy điện Lai Châu sẽ góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện cho quá trình CNH-HĐH đất nước và vùng Tây Bắc.

 

Qua nghiên cứu và thẩm định, thủy điện Lai Châu dự kiến xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư sơ bộ là 32.568,590 tỉ đồng, theo mặt bằng giá quý II/2008.

 

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong quá trình lập quy hoạch tổng thể về công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư… thủy điện Lai Châu, đã nghiên cứu, khảo sát và rút kinh nghiệm công tác di dân, tái định cư một số dự án đã và đang thực hiện như thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát…

 

Thời gian dự kiến xây dựng thuỷ điện Lai Châu là 9 năm kể cả thời gian chuẩn bị, trong đó thời gian thi công các hạng mục chính là 6 năm, nếu được Quốc hội thông qua về chủ trương tại Kỳ họp này sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy cuối vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017.

 

Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá, dự án công trình thuỷ điện Lai Châu được lập với đầy đủ cơ sở pháp lý, tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các văn bản quy định khác liên quan hiện hành.

 

Nhà ở giá hơn 500 triệu đồng mới tính thuế

 

Về Dự án Luật thuế nhà, đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, việc thực hiện Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Các căn cứ tính thuế, đối tượng chịu thuế, chính sách miễn giảm và công tác quản lý thuế cần sớm được sửa đổi.

 

“Việc ban hành dự án Luật thuế nhà, đất sẽ hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

 

Theo đó, một trong những điểm mới của Dự án Luật này được Chính phủ trình là việc quy định giá tính thuế nhà ở từ mốc  500 triệu đồng trở lên là 0,03%. Phương án này không điều tiết đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, điều tiết cao với việc sở hữu nhà giá trị lớn hoặc nhiều nhà, đảm bảo công bằng, chỉ tính thuế đối với phần giá trị nhà ở vượt trên 500 triệu đồng.

 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thẳng thắn chỉ ra nhược điểm của phương án này là “cùng một căn nhà, kỳ này không nộp thuế, kỳ sau có thể phải nộp thuế và ngược lại". Bởi lẽ, giá tính thuế đối với nhà ở sẽ bị tác động do biến động của đơn giá xây dựng mới thay đổi.

 

Tuy nhiên, vẫn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, qua phân tích cân nhắc cả ưu và nhược điểm, đây là phương án có nhiều ưu điểm nhất vì phù hợp với người có thu nhập trung bình và hầu hết nhà ở nông thôn không phải đóng thuế.

 

“Để góp phần hạn chế đầu cơ về nhà, đất, dự thảo Luật quy định thêm việc đăng ký, khai, tính và nộp thuế đối với trường hợp có quyền sở hữu nhiều nhà ở, quyền sử dụng nhiều thửa đất ở”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết.

 

Bên cạnh đó, dự án cũng quy định cụ thể việc miễn, giảm thuế nhà đất với nhiều đối tượng như vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, gia đình thương binh, liệt sĩ, nhà tình nghĩa, đất của người tàn tật, vị thành niên, người già cô đơn…

 

Dự án thủy điện Lai Châu và Dự án Luật thuế nhà, đất sẽ được các đại biểu thảo luận ở tổ vào ngày 12 -13/ 11 tới đây.