Giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm

17:08, 11/12/2009

Trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI (11/12), các đại biểu làm việc tại hội trường. Đoàn Thư ký các kỳ họp HĐND tỉnh đã thông qua báo cáo kết quả thảo luận tổ (ngày 10/12); các đại biểu thảo luận tại hội trường; chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận thông qua một số dự thảo nghị quyết.

 

Đã có 21 ý kiến chất vấn, kiến nghị của đại biểu HĐND và các Ban của HĐND được các ngành giải trình rõ tại kỳ họp như: Vấn đề giải ngân vốn xây dựng cơ bản chương trình mục tiêu, nguồn vốn vay Kho bạc còn chậm dồn vào cuối năm; khả năng thanh toán hết kế hoạch vốn rất khó khăn. Chậm chi trả chế độ hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ tổ dân phố. Giải pháp tập trung nguồn lực tài chính và nhân lực cho công tác xây dựng các trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Phân tích làm rõ các giải pháp để tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%, giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2009 là 2,5%...

 

Các chất vấn tập trung vào một số vấn đề cụ thể như: Việc bồi thường án oan sai theo Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI; vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp; các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chưa có quyết định giải quyết; việc chiếu phim lưu động không còn phù hợp. Cá biệt có vấn đề được đưa tới 2 kỳ họp vẫn chưa giải quyết dứt điểm đó là việc rà soát diện tích đất sản xuất kém hiệu quả của Trạm thủy nông Núi Cốc để bàn giao cho huyện Đại Từ...

 

Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo làm rõ các giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

 TNĐT trích đăng một số ý kiến trả lời của lãnh đạo các ngành tại phiên chất vấn.

 * Trạm Thuỷ sản hồ Núi Cốc sẽ bàn giao đất  cho Đại Từ sau khi được cấp GCNQSDĐ

 

(Đồng chí Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT): Theo Quyết định số 111 của Thủ tướng Chính phủ ngày 14- 4-1975, Xí nghiệp Thuỷ sản hồ Núi Cốc, nay là Trạm Thuỷ sản Núi Cốc (Trạm TSNC) được giao đất để nuôi trồng thuỷ sản, bao gồm cả khu xây dựng công trình, nhà ở là 68 ha trên cao trình 46,2 không bao gồm diện tích mặt nước 28,7 ha là các đầm hồ (trong đó, hồ Xuân Đô: 26,1 ha; đầm Ông Cầu: 2,6 ha).

 

Năm 2007, được sự chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm Thuỷ sản (TTTS) đã tổ chức hội nghị liên ngành để kiểm tra gianh giới, hiện trạng, nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển ngành Thuỷ sản theo quy hoạch. Hội nghị đã thống nhất khoanh vùng đất cho Trạm TSNC sử dụng và trả đất cho tỉnh để giao cho địa phương. Hiện nay, Trạm TSNC thuộc TTTS chỉ xin giữ lại 60,67 ha (bao gồm cả hồ Xuân Đô và đầm Ông Cầu), số còn lại sau khi tỉnh cấp Giấy chứng nhận  quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Trạm TSNC, đơn vị sẽ trả lại. Hồ sơ xin cấp GCNSDĐ Trạm đã hoàn chỉnh theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

 

Như vậy, nếu tính riêng phần đất (trên cao trình 46,2), Trạm TSNC chỉ giữ lại 31,97 ha so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã hoàn tất các thủ tục chuyển Sở TN&MT chờ cấp GCNQSDĐ, trên cơ sở đó giao cho xã Tân Thái và huyện Đại Từ.

 

*Giải pháp để thực hiện tốt Quyết định 167 về hỗ trợ hộ nghèo làm nhà

 

(Đồng chí Trần Dương Hợp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng): Năm 2009, Thái Nguyên được T.W bố trí 8,05 tỷ đồng để hỗ trợ cho 1 nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở. Để có thêm nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phân bổ kinh phí 60,43 tỷ đồng bằng nhiều nguồn để hỗ trợ cho 3.567 hộ nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng xong 3.265 nhà (còn 3 huyện, thị chưa cập nhật số liệu mới), đang xây dựng gần hoàn thành 922 nhà và đang tập kết, bắt đầu triển khai xây dựng 93 nhà. Nếu tất cả hoàn chỉnh, toàn tỉnh sẽ hoàn thành 4.233 nhà ở cho hộ nghèo; kinh phí huy động khoảng 70 tỷ đồng. Như vậy, số lượng hộ nghèo còn lại theo Đề án được duyệt là 4.505 hộ. Tuy nhiên, ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định 1592 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (HNDTTS), đời sống khó khăn. Ban chỉ đạo 167 (BCĐ 167) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, bình xét các HNDTTS. Sau khi rà soát để đề nghị hỗ trợ về nhà ở, số HNDTTS là 4.668 hộ. Như vậy, tổng cộng cả hộ nghèo và HNDTTS thực hiện theo Quyết định 167 là 13.406 hộ. Số còn lại trong các năm sau sẽ là 9.173 hộ, gấp 2,17 lần số thực hiện năm 2009.

 

Để hoàn thành chương trình trên, năm 2010 tỉnh sẽ giao kế hoạch cho các địa phương ngay từ đầu năm. Giao cho các sở, ngành thành viên BCĐ167 tỉnh phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đảm bảo đủ kinh phí thực hiện. Đổi mới biện pháp, cách làm cụ thể các bước theo quy trình; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả...

 

*Bố trí vốn để thực hiện mục tiêu kiên cố hoá trường lớp học

 

(Đồng chí Nguyễn  Đức Minh, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư): Nghị quyết số 09 về Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2012, về mục tiêu đã rút ngắn thời gian thực hiện chương trình hoàn thành trước 1 năm so với Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Theo Đề án trình Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được xây dựng với suất đầu tư 148 triệu đồng/phòng học, do ảnh hưởng của lạm phát cao trong năm 2007, 2008 và Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu nên đến thời điểm thực hiện Đề án, tổng mức đầu tư đã tăng gấp đôi so với mức vốn của Đề án được duyệt. Trong khi đó, mức vốn T.W cân đối trong 2 năm (2008-2009) là 178.327 triệu đồng, bằng 51% so với Đề án được duyệt; mức vốn đối ứng riêng phần ngân sách tỉnh đã cân đối kế hoạch năm 2009 là 39.100 triệu đồng, đảm bảo đạt mức 20%. UBND tỉnh đã báo cáo với Chính phủ và các Bộ ngành đề nghị tăng mức vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện đầu tư đúng tiến độ, nhưng đến nay chưa được xem xét cân đối.

 

Như vậy, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết phụ thuộc chủ yếu vào mức vốn Trái phiếu Chính phủ cân đối cho tỉnh, phần đối ứng của địa phương (20%). Nếu trong giai đoạn 2010-2012, Chính phủ chưa xem xét cân đối bổ sung vốn thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu. Vì thế, muốn đạt được mục tiêu, một mặt phải tích cực đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành T.W tăng mức vốn, một mặt thực hiện đúng nguyên tắc phân bổ vốn cho chương trình để hạn chế phát sinh nợ.

 

*Nguyên nhân giải ngân các nguồn vốn chậm

 

(Đồng chí Dương Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài chính): Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn chương trình mục tiêu, vốn vay Kho bạc Nhà nước chậm, là tình trạng chung của nhiều địa phương từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là: Chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán đến Kho bạc chậm; một số dự án khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu kém; sự quá tải của các công ty tư vấn, năng lực chủ đầu tư còn hạn chế...

 

Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp như: rà soát các dự án đầu tư; tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục đầu tư; không để thanh toán tồn vào cuối năm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân…Bên cạnh đó, kiện toàn các Ban quản lý dự án cấp huyện, thành, thị đủ năng lực, chuyên môn; kiên quyết đối với các đơn vị thi công không có năng lực chuyên môn, tài chính kém; triển khai thực hiện chủ trương chỉ định thầu đối với dự án có vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng, nhằm rút ngắn thời gian đấu thầu; tranh thủ các cơ quan tư vấn nước ngoài đối với các dự án lớn, mở rộng với những công ty tư vấn ngoài tỉnh nhằm khắc phục sự quá tải hiện nay...

 

*Việc hỗ trợ cho người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp

 

 (Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Chi nhánh Thái Nguyên): Việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, theo Quyết định thì: "Năm 2009, DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc thì được Nhà nước cho vay để thanh toán". Song, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Cạn- Thái Nguyên: Kể từ khi  Quyết định số 30 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, Ngân hàng chưa nhận được hồ sơ đề nghị vay vốn thuộc đối tượng được vay theo Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Vì điều kiện vay phải có phương án sắp xếp lao động được Sở Lao động Thương binh và Xã hội chấp nhận; có báo cáo tài chính được Sở Tài chính thẩm định và đối tượng vay chỉ điều chỉnh những khoản phát sinh trong năm 2009. Đối với số tiền nợ bảo hiểm xã hội 5.852 triệu đồng mà đại biểu nêu, có thể nằm trong năm 2009 trở về trước nên không thuộc đối tượng vay.

 

*Các giải pháp tạo việc làm mới, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và giảm tỷ lệ hộ nghèo

 

(Đồng chí Lê Đình Cường, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH): Để tạo được việc làm mới cho 16 nghìn lao động, Sở LĐTB-XH dự kiến giải quyết việc làm tại chỗ thông qua các dự án phát triển làng nghề, phát triển ngành nghề, đổi mới cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp nông thôn. Các dự án về trồng rau an toàn, nấm, hoa tươi chất lượng cao... Để thực hiện được, ngành đã tham mưu để UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về giải quyết việc làm cho các huyện, thị và thành phố. Đồng thời sử dụng hiệu quả sàn giao dịch việc làm; tăng cường chỉ đạo hệ thống các trường nghề, trung tâm dạy nghề đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp hoặc thị trường lao động trong nước…

 

Về các giải pháp để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2010, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 23%. Để thực hiện được mục tiêu này, trong năm 2009, Sở LĐTB-XH đã được UBND tỉnh cho phép thành lập thêm 5 cơ sở dạy nghề, với tổng quy mô tuyển sinh năm đầu khoảng 2.000 người/năm. Như vậy năm 2010, tỉnh Thái Nguyên có đủ điều kiện để dạy nghề cho 25 nghìn lao động. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích tăng cường các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở sản xuất, gắn dạy nghề với doanh nghiệp và dạy nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó tạo được việc làm cho người lao động sau đào tạo.

 

Trong giải pháp giảm tỉ lệ hộ nghèo, ngành tham mưu với UBND tỉnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Thực hiện dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất trồng trọt cho nông dân. Thực hiện chính sách về hỗ trợ y tế cho 100% số hộ nghèo khi ốm đau. Trong giáo dục thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa, học bổng và các khoản đóng góp khác cho học sinh thuộc hộ nghèo.

 

* Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật

 

(Đại tá Hoàng Văn Tân, Giám đốc Công an tỉnh): Để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, năm 2010 Công an tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị của Bộ chính trị, của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo bảo đảm an ninh quốc gia. Tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Chỉ thị của Bộ Công an  về công tác bảo vệ nội bộ và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; phòng, chống tội phạm mua, bán phụ nữ, trẻ em.

 

Chủ động phát hiện đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tập trung đấu tranh ngăn chặn hoạt động phá hoại tư tưởng. Làm tốt công tác nắm tình hình, nhằm phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động phát triển lực lượng, công khai hóa tổ chức trong nước, hoạt động chống phá của bọn phản động, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch đấu tranh mạnh với các ổ nhóm tội phạm, tội phạm có tổ chức, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng... 

 

*Vấn đề Bồi thường án oan sai

(Đồng chí Nguyễn Xuân Cúc, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh)

 

Có 4 đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát (VKS), trong đó có 3 đơn của Đỗ Đức Đại, Ma Văn Năm và Phan Thanh Phương trong vụ án Vu khống do Công an huyện Võ Nhai khởi tố, VKS Võ Nhai phê chuẩn năm 2007, đến tháng 3/2008, VKS huyện Võ Nhai ra quyết định đình chỉ vì không cấu thành tội phạm. Trong số đơn này, VKS đã thương lượng thành và bồi thường xong cho Ma Văn Năm với số tiền 22.876 nghìn đồng. Còn lại 2 đơn của Đại và Phương do thương lượng không thành đã khởi kiện ra Tòa án huyện. Ngày 30/11/2009, Tòa án Nhân dân huyện Võ Nhai đã xét xử: VKS huyện Võ Nhai phải đền bù cho Đại 40.872.200 đồng, đền bù cho Phương 39.053.800 đồng. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Ngành Kiểm sát sẽ làm thủ tục báo cáo Bộ Tài chính cấp kinh phí để bù theo quy định. Còn 1 đơn hiện đang giải quyết đó là của ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thái. Nay ông Hoàng đã chết, ủy quyền cho Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải đàm phán, thương lượng với VKS Thái Nguyên. Nhưng đến nay, Văn phòng luật sư chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định. VKS tỉnh sẽ báo cáo khi có kết quả cụ thể.

           

* Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền UBND tỉnh

(Đồng chí Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh)

 

Số vụ việc khiếu nại là 44 việc, có 1 vụ khiếu nại thuộc diện vụ việc rà soát, tức là loại việc không phải giải quyết bằng quyết định, vì vụ việc đã được  UBND tỉnh giải quyết cụ thể, nhưng công dân chưa nhất trí tiếp tục khiếu nại, qua xem xét thấy cần xem lại để đánh giá thêm thì thụ lý lại hoặc khi phân loại để giải quyết chưa rõ thẩm quyền cần phân loại. Như vậy còn 40 vụ việc phải giải quyết lần 2 thuộc thẩm quyền ra quyết định của UBND tỉnh. Từ khi có thông báo đến nay, đã giải quyết được 11 vụ, còn lại đang giải quyết 29 vụ. Số vụ việc đang giải quyết 21/29 vụ mới kết thúc công tác xác minh trong tháng 9 chuyển sang UBND tỉnh trong tháng 10. Thực còn tồn tại là 8 vụ việc đã xác minh kết thúc trước tháng 9/2009 nhưng chưa được giải quyết xong. Như vậy, nhìn chung việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh thời gian gần đây là kịp thời, có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên bảo đảm đúng quy định pháp luật, về cơ bản chấm dứt được khiếu kiện. Chất lượng giải quyết khiếu nại năm 2008, 2009 được tăng lên, tỷ lệ vụ việc công dân không nhất trí vẫn tiếp tục khiếu tỷ lệ chiếm dưới 10%. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có vụ việc có một số nội dung giải quyết còn chưa thỏa đáng, chưa hợp tình, hợp lý, chưa đúng chính sách còn chậm về thời hạn luật định, chưa tạo điều kiện để giải quyết nhanh các công trình, dự án trọng điểm. Có tình trạng trên là do chất lượng giải quyết một số vụ việc cụ thể của một số cơ quan chuyên môn xác minh chưa đạt yêu cầu, phải xác minh bổ sung (đi làm lại nhiều lần). Thứ hai do cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đồng nhất theo từng thời kỳ, giai đoạn nên cần có thời gian xem xét ra quyết định giải quyết cho phù hợp. Thứ ba là do sự phát triển nhanh chóng của tỉnh, nhiều khu công nghiệp, nhiều dự án, công trình được đầu tư liên quan đến đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tất yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo.