Ngày 09/1 2/ 2009, dịch Cúm gia cầm đã phát hiện trên một số hộ gia đình ở xã Hoàng Nông thuộc huyện Đại Từ, ngày 11/ 12/ 2009 dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ.
Tính đến ngày 12/12/2009, tổng số gia cầm bị bệnh và buộc phải tiêu hủy là: 4.203 con (trong đó: 4.100 con vịt, 103 con gà) và 17.750 quả trứng giống.
Trước tình hình trên, để nhanh chóng dập tắt dịch Cúm gia cầm, ngăn ngừa dịch bệnh gây thiệt hại trên diện rộng; UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc triệt để các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát quản lý dịch trên địa bàn toàn tỉnh; chẩn đoán xác minh dịch kịp thời, chính xác; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.
2. UBND huyện Đại Từ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động lực lượng, kinh phí chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng dập tắt dứt điểm ổ dịch trên địa bàn xã Hoàng Nông và xã Yên Lãng, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tăng cường công tác giám sát diễn biến dịch bệnh tại vùng đang có dịch và trên toàn địa bàn. Nếu phát hiện gia cầm mắc bệnh Cúm phải tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh và hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi; tiến hành tiêm phòng ngay cho đàn gia cầm, vệ sinh tiêu độc khu vực có dịch và trên địa bàn toàn huyện; tăng cường kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn.
3. UBND các huyện, thành phố, thị xã hiện nay chưa có dịch xảy ra, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, xây dựng kế hoạch phòng chống; chuẩn bị lực lượng, kinh phí sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Tùy theo diễn biến tình hình dịch, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tập trung, các tụ điểm kinh doanh buôn bán gia cầm nhằm ngăn chặn vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ vùng đang có dịch. Chỉ đạo Ban quản lý chợ quy định địa điểm bán gia cầm sống tại các chợ nội thành, nội thị sau mỗi ngây phải thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định. Xử lý tiêu hủy không hỗ trợ đối với những trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, nơi nào do chủ quan để xảy ra dịch bệnh, lãnh đạo chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên thông báo diễn biến tình hình dịch Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh; chăn nuôi an toàn và cách phòng, chống lây nhiễm Cúm gia cầm sang người.
5. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt, chuẩn bị đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch khẩn cấp.
6. Sở Y tế phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thú y tăng cường công tác giám sát, đề phòng các trường hợp người bị nhiễm vi rút Cúm gia cầm (H5N1).
7. Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào chức năng đo Ban chỉ đạo của tỉnh đã phân công, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch Cúm gia cầm và Cúm A (H5N1) ở người.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp, nghiêm túc triển khai thực hiện.