Ngày 4/2, các thành viên thuộc Uỷ ban Văn hoá Giáo dục - Thanh niên, thiếu nhi và Nhi đồng (VHGD-TN,TN &NĐ) của Quốc hội do đồng chí Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban dẫn đầu đã tiến hành giám sát việc thực hiện các chính sách về giáo dục tại Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Đức.
Tại buổi giám sát, các thành viên Uỷ ban VHGD-TN,TN&NĐ đã nghe lãnh đạo Đại học Thái Nguyên báo cáo thực trạng và kết quả của đơn vị sau 16 năm thành lập mô hình đại học khu vực (1994-2009). Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong đoàn đã đề nghị Ban lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, đại diện các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên làm rõ một số nội dung như: chất lượng cán bộ, giảng viên của đơn vị hiện nay; chất lượng đào tạo có tăng trưởng tỷ lệ thuận so với tăng trưởng về quy mô; chất lượng tuyển sinh đầu vào của Đại học Thái Nguyên cao hay thấp so với các trường đại học trong nước; cơ chế tự chủ của Đại học Thái Nguyên về công tác cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất và việc phân cấp quản lý những lĩnh vực này cho các đơn vị thành viên được thực hiện ra sao; mối quan hệ về công tác chuyên môn giữa Đại học Thái Nguyên với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số…
Những vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát đưa ra đã được đồng chí Từ Quang Hiển, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đại diện các phòng, ban, đơn vị thành viên làm rõ. Đồng thời, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, các đơn vị thành viên cũng đề xuất, kiến nghị với đoàn về cơ chế chính sách đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo nâng cao; có chính sách ưu đãi đặc thù đối với cán bộ, giảng viên công tác tại địa bàn còn nhiều khó khăn…
Qua báo cáo, các ý kiến trả lời, các thành viên trong đoàn giám sát đều khẳng định qua 16 năm thực hiện mô hình đại học khu vực, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng đầu tư về con người, cơ sở vật chất, nghiệp vụ sư phạm để vươn lên là cơ sở đào tạo lớn của cả nước, có vai trò đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn cũng đưa ra một số vấn đề mà Đại học Thái Nguyên cần từng bước khắc phục như: chất lượng đạo đào tạo cần tiếp tục nâng cao; công tác quản lý, điều hành và phân cấp quản lý giữa Đại học Thái Nguyên với các đơn vị thành viên cần tiếp tục đổi mới; tốc độ giải phóng mặt để xây dựng các hạng mục công trình của đơn vị còn chậm. Đối với những ý kiến kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, các đơn vị thành viên được đoàn tiếp thu và sẽ chuyển đến Quốc hội, các bộ, ngành của Trung ương nghiên cứu giải quyết.
Để làm rõ những vấn đề nêu trên và nghe thêm ý kiến, kiến nghị của cán bộ, giảng viên, sinh viên về việc thực hiện chính sách liên quan đến giáo dục, buổi chiều cùng ngày, đoàn giám sát đã chia làm 3 tổ công tác để giám sát trực tiếp tại các đơn vị: Trường đại học Sư phạm; Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Đức.