Hôm nay (1/3), Ban Kinh tế của Quốc hội do đồng chí Lê Quốc Dung, Phó Trưởng ban dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh về tình hình thực hiện Luật Khoáng sản trên địa bàn.
Dự và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã dần đi vào nền nếp. Về cơ bản, các loại khoáng sản trên địa bàn đã được lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng làm căn cứ cho việc cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã cấp phép theo đúng thẩm quyền dựa trên quan điểm gắn khai thác với chế biến, ưu tiên cấp mỏ cho các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, có cơ sở chế biến sâu. Nhìn chung, các hoạt động khai thác khoáng sản đã đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Tuy vậy, tình hình hoạt động khoáng sản trái phép thời gian qua trên địa bàn vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, trật tự địa phương, làm thất thoát tài nguyên.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cũng đã nêu những khó khăn, tồn tại trong thực hiện pháp luật về khoáng sản, đồng thời kiến nghị, đóng góp 8 nội dung về sửa đổi, bổ sung vào Luật Khoáng sản sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tới đây. Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị nên bổ sung nội dung giải thích các cụm từ “sử dụng khoáng sản”, “chế biến sâu” để phân biệt với cụm từ “chế biến khoáng sản”; nên quy định rõ tỷ lệ phần trăm (%) trích từ nguồn thu của Nhà nước từ hoạt động khoáng sản để phát triển kinh tế-xã hội địa phương; cần bổ sung quy định về việc cấp giấy phép khai thác không nhất thiết phải thăm dò đối với các khu vực cát sỏi có diện tích và quy mô nhỏ trên các sông nhánh, ngắn thuộc vùng trung du, miền núi; cần có các quy định nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên; nên quy định khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu vực “hạn chế hoạt động khoáng sản”; không quy định cứng thời gian của một giấy phép thăm dò…
Sau khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và các thành viên trong đoàn đóng góp ý kiến, giải trình một số vấn đề có liên quan, đồng chí Lê Quốc Dung đã phát biểu ý kiến, đánh giá cao vai trò quản lý Nhà nước về khoáng sản của tỉnh thời gian qua. Đồng chí cho rằng, tỉnh đã phát huy tối đa nguồn lực về tài nguyên khoáng sản để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đồng thời có những biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu thô khoáng sản ra nước ngoài. Thay mặt đoàn công tác, đồng chí đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh về vấn đề đóng góp xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản và đề nghị tỉnh trên cơ sở thực tiễn địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp tại Hội thảo bàn về Luật Khoáng sản tổ chức tại Hà Nội tới đây.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Kinh tế của Quốc hội đã đến thăm và làm việc tại một số cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.