Giám sát các loại hình trường mầm non

16:25, 25/03/2010

Chuẩn bị cho nội dung kỳ họp chuyên đề lần thứ 3, HĐND tỉnh khoá XI, bàn về việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non (MN) bán công theo Thông tư số 11/2009/TT-BGD ĐT ngày 8-5-2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), ngày 25/3, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Đoàn Thị Hảo, Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát các loại hình MN tại T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình.

 

Cùng làm việc với Ban Văn hoá - Xã hội còn có lãnh đạo các ban của HĐND, Sở Nội vụ, GD & ĐT, Tài chính, UBND T.P Thái Nguyên, huyện Phú Bình, lãnh đạo các Phòng GD & ĐT và cán bộ quản lý các trường MN của 2 huyện.

 

* Lãnh đạo Phòng GD & ĐT T.P Thái Nguyên đã báo cáo với Đoàn Giám sát thực trạng giáo dục MN T.P Thái Nguyên. Hiện toàn thành phố có 39 trường MN, trong đó có 37 trường bán công, với tổng số 9.700 cháu, 301 lớp. Tỷ lệ huy động các cháu ở độ tuổi nhà trẻ đạt 24,23%; mẫu giáo là 86,32%, trong đó trẻ 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 100%. Tổng số cán bộ, giáo viên hiện có là 829, trong đó biên chế là 455, hợp đồng là 374. Về cơ sở vật chất hiện có 301 phòng học, trong đó có 138 phòng học kiên cố, số còn lại chủ yếu là phòng học cấp 4 đa số bị xuống cấp.

 

Tại buổi giám sát, cán bộ quản lý các trường đã nêu những khó khăn trong hoạt động hiện nay như: Cơ chế hoạt động của loại hình trường MN bán công không rõ ở các nội dung: Quản lý tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức, quy định thu học phí, sử dụng học phí… dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên. Tuy là loại hình MN bán công, song ngoài việc thu học phí, còn lại công tác tổ chức, biên chế, xây dựng cơ sở vật chất… cơ bản được thực hiện theo loại hình trường công lập, quy định như vậy là không rõ ràng, đầy đủ. Trong Luật Giáo dục năm 2005 không quy định có loại hình trường MN bán công mà chỉ có trường MN công lập hoặc dân lập. Lãnh đạo Phòng GD & ĐT T.P Thái Nguyên và cán bộ quản lý các nhà trường đã thống nhất đề nghị tỉnh quyết định chuyển 37 trường MN bán công của T.P sang loại hình công lập. Có như vậy mới có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

 

* Huyện Phú Bình có điểm tương đồng với T.P Thái Nguyên đó là không có trường MN công lập (21/21 trường MN bán công). Với tổng số 411 cán bộ, giáo viên, trong đó chỉ có 83 biên chế. Mức thu học phí của học sinh rất thấp: 50 nghìn đồng/cháu/tháng. Mức chi trả lương đối với giáo viên trong biên chế bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng; số giáo viên hợp đồng hưởng theo mức thu đóng góp thoả thuận với phụ huynh, mức lương cao nhất là 800 nghìn đồng/người/tháng, thấp nhất là 650 nghìn đồng/người/tháng (chưa kể số tiền hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết của HĐND).

 

Về cơ sở vật chất, tuy 21/21 trường được quy hoạch thành các cụm trường, nhưng là huyện thuần nông, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nên việc xã hội hoá xây dựng trường, lớp hạn chế, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp (nhất là các cháu ở độ tuổi nhà trẻ). Tại buổi giám sát, lãnh đạo Phòng cũng như các trường đều kiến nghị: Ngành học MN nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, là ngành học đòi hỏi cao về nội dung chăm sóc, giáo dục, là bậc học tiền đề chuẩn bị các điều kiện và tâm thế cho trẻ bước vào các bậc học tiếp theo, vì thế cần được quan tâm toàn diện hơn. Đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi các trường MN bán công sang loại hình công lập để tạo sự công bằng giữa các bậc học.

 

Tại buổi giám sát, đại diện các sở, ngành cũng đã thống nhất chung với quan điểm của cán bộ quản lý các trường là đề nghị tỉnh quyết định chuyển đổi toàn bộ số trường MN bán công sang công lập. Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và Ban sẽ tổng hợp có chương trình làm việc với các ngành, sau đó báo cáo HĐND tỉnh trước kỳ họp chuyên đề lần thứ 3 được tổ chức trong tháng 4 tới đây.