UBND tỉnh: Bàn về phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc

20:00, 26/03/2010

Ngày 26/3, UBND  tỉnh đã tổ chức Hội nghị tư vấn xây dựng Dự án nuôi trồng thuỷ sản khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I và Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Quốc gia, các ngành có liên quan...

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh việc nuôi trồng thuỷ sản khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc như: nguồn nước cung cấp cho khu vực nuôi trồng thuỷ sản; xử lý nước thải sau khi nuôi; nguồn cá giống; kỹ thuật nuôi cá; thị trường tiêu thụ sản phẩm... Hiện nay, diện tích mặt nước có thể sử dụng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản của Thái Nguyên là 6.925 ha, trong đó có 2.285 ha ao, 1.140 ha hồ chứa vừa và nhỏ, 1.000 ha ruộng có khả năng nuôi cá - lúa và 2.500 ha Hồ Núi Cốc. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số mô hình thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi tôm càng xanh, chép lai, rô phi vằn, rô đồng, ba ba, ếch Thái Lan, nuôi cá ao tăng sản, nuôi cá hồ chứa nhỏ...

 

Thực tế, phương thức nuôi trồng thuỷ sản ở Thái Nguyên chủ yếu là "thả cá", chưa có đầu tư thâm canh sản xuất, chủ yếu nuôi thả các loài cá truyền thống như: mè, trôi, trắm cỏ, chép... năng suất, giá trị kinh tế thấp. Khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc thuộc địa phận các xã Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái, Hùng Sơn của huyện Đại Từ. Hiện nay, người dân trong vùng vẫn tận dụng khu vực bán ngập để cấy lúa, trồng màu nhưng thu hoạch bấp bênh. Việc thực hiện nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc sẽ góp phần sử dụng hiệu quả các hồ chứa thuỷ lợi, kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân trong vùng. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của Thái Nguyên hiện đạt khoảng 4.500 tấn, mới đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm thuỷ sản chiếm 2,6% tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp. Mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên phải nhập thêm 5.000 tấn cá tươi từ tỉnh khác để phục vụ nhu cầu của nhân dân.


Các đại biểu đều cho rằng Dự án này có tính khả thi cao, nhận được sự hưởng ứng của các cấp, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nêu lên những khó khăn khi thực hiện việc nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc như đây là hồ đa năng, phục vụ nhiều lĩnh vực, hoạt động thuỷ sản là mục tiêu kết hợp nên phải tuân theo thứ tự ưu tiên trong vùng hồ. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng chưa có cơ sở sản xuất thức ăn cho cá, giá mua lại cao trong khi giá cá thương phẩm thấp...

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh cho rằng để thực hiện hiệu quả việc nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc cần phải có sự vào cuộc của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Đồng thời phải xác định xây dựng khu vực bán ngập Hồ Núi Cốc thành khu công nghiệp tập trung có quy hoạch cụ thể, rõ ràng cho từng doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực này...