Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Thẩm tra đề án trường mầm non

15:37, 07/04/2010

Chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa XI, sáng 7/4, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc chuyển đổi các trường mầm non (MN) bán công sang trường MN công lập.

 

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các thành viên của Ban Văn hóa Xã hội, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

Đề án chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang trường MN công lập đã nêu rõ thực trạng của giáo dục MN tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 200 trường MN, trong đó 56 trường công lập, 146 trường bán công và 3 trường MN tư thục với trên 85.000 trẻ. Về đội ngũ có hơn 4.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có trên 1.800 người trong biên chế (bằng 45,17% ). Trong 146 trường MN bán công, đến thời điểm 31/12/2009 có trên 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó, biên chế Nhà nước là hơn 1.000, hợp đồng bán công là 1.988, chiếm tỷ lệ 66,09%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp đồng bán công hiện nay 100% đạt chuẩn đào tạo của bậc học trở lên, trong đó có gần 40% trên chuẩn. Hiện nay, lương của giáo viên các trường MN bán công khá thấp, tính cả tiền hỗ trợ theo Quyết định số 09 của UBND tỉnh theo từng vùng miền, trừ đi các khoản bảo hiểm, chỉ đạt bình quân khoảng gần 850.000/người/ tháng. Ngành Giáo dục cũng đã xây dựng phương án chuyển đổi các trường MN bán công sang công lập. Cụ thể năm 2010 chuyển 67 trường sang công lập, năm 2011 chuyển 70 trường và năm 2012 chuyển 9 trường còn lại.

 

Sau khi nghiên cứu đề án, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến thảo luận và cho rằng: đây là việc làm rất phù hợp với thực tế hiện nay. Song với điều kiện kinh tế của tỉnh thì phải nghiên cứu kỹ lộ trình chuyển đổi. Nhiều đại biểu cho rằng ngoài số trường đã được Ngành Giáo dục đưa vào đề án chuyển đổi năm 2010, đề nghị cần quan tâm đến các trường ở xã khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, các xã ATK II, xã mất nhiều diện tích đất cho công nghiệp… chủ yếu thuộc huyện Phú Bình, Phổ Yên. Như vậy mới đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội cho rằng: Căn cứ vào ý kiến phát biểu của các đơn vị, ngành Giáo dục - Đào tạo với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực này cần phối hợp với Văn phòng HĐND hoàn chỉnh Đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, trong đó chú ý bổ sung những trường MN thuộc các xã vùng nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, lương giáo viên thấp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, xã ATK II vào Đề án để đưa ra kỳ họp xem xét quyết định.