Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí

17:37, 07/04/2010

Từ ngày 5 đến 7/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh" tại Phân hiệu CĐ Giao thông - Vận tải miền núi; Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan; UBND T.P Thái Nguyên và Cục thuế tỉnh.

 

Tham gia Đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Thuế, Thanh tra, Công thương, Hội Luật gia tỉnh. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì các buổi giám sát.

 

Tại Phân hiệu CĐ Giao thông - Vận tải miền núi, Nhà trường đề nghị Bộ Tài chính sớm điều chỉnh mức tăng học phí đào tạo lái xe để phù hợp với chi phí thực tế. Đồng thời cho phép các cơ sở đào tạo được quyền chủ động đăng ký mức học phí với cơ quan có thẩm quyền ở các địa phương. Căn cứ vào đó, các cơ sở đào tạo sẽ công khai mức học phí và đăng ký thỏa thuận với người học.

 

Đối với Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan hiện khai thác 70 đầu xe phục vụ cho lĩnh vực vận tải hành khách. 3 năm qua, Công ty đã đóng góp trên 1,1 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và các khoản nộp khác. Tại buổi làm việc, Công ty cho rằng: các chính sách thuế hiện nay nhìn chung là phù hợp, nhưng bên cạnh đó còn có một số chính sách chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp như: để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh đề nghị UBND tỉnh cho doanh nghiệp hưởng khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động xe buýt. Cho doanh nghiệp được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động xe buýt.

 

Trong buổi làm việc với UBND T.P Thái Nguyên cho thấy 3 năm qua T.P Thái Nguyên có số thu ngân sách đều vượt cao so với kế hoạch tỉnh, thành phố đề ra. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng: Mặc dù Luật quản lý thuế đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý thuế, nhưng các tổ chức, cá nhân chưa đề cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế. Cơ quan thuế chưa được giao trách nhiệm điều tra, khởi tố các vụ vi phạm về thuế dẫn đến việc xử lý các trường hợp gian lận, trốn thuế lớn bị chậm. Các văn bản hướng dẫn về cơ chế xử lý xóa nợ, khoanh nợ, giãn nợ cho cá nhân, tổ chức thuế do nguyên nhân khách quan đã quy định tại nhiều văn bản khác nhau và thường xuyên bị sửa đổi, thay thế...

 

Trong buổi làm việc với Cục thuế tỉnh, Ngành Thuế kiến nghị nên có chính sách riêng cho từng vùng miền theo từng giai đoạn phát triển, đặc biệt là các vùng trung du, miền núi, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, ưu đãi kích cầu theo từng vùng và khu vực để tạo thế cân bằng và kinh tế giữa các vùng. Chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí phải đồng bộ, thống nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ kiểm tra và có sự chỉ đạo thống nhất đồng bộ giữa ngành, cấp, đồng thời phải đảm bảo tính phát triển bền vững của văn bản pháp luật. Hiện nay công tác cưỡng chế thuế gặp nhiều khó khăn do phải áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Do đó làm giảm các hiệu lực công tác thu nợ.

 

Phát biểu kết luận tại các buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác. Đặc biệt là ngành thuế đã tham mưu cho ngành dọc, cấp uỷ, chính quyền địa phương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cải cách hành chính, chuyển đổi kịp thời mô hình quản lý thuế khi có Luật Quản lý thuế, cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách pháp luật về lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục có những giải pháp để triệt để chống thất thu thuế, cũng như khắc phục những tồn tại trong việc tổ chức, quản lý thu thuế. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng cũng khẳng định: Chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí là vô cùng quan trọng, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước phát triển. Nhưng chính sách này cần có sự cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Với các kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, Đoàn sẽ tổng hợp thành báo cáo để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành TW, tỉnh có những giải pháp cụ thể nhằm chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với điều kiện cụ thể, để chính sách pháp luật về lĩnh vực này đi vào đời sống.