Góp ý vào Dự án Luật Người khuyết tật và Luật nuôi con nuôi

15:50, 12/04/2010

Ngày 12/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã họp với đại diện HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các cơ quan chức năng để lấy ý kiến đóng góp vào 2 Dự án luật dự thảo: Luật Người khuyết tật (NKT) và Luật nuôi con nuôi (NCN).  

 

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp.

 

Dự thảo Luật Người khuyết tật có 9 chương, 47 Điều nêu rõ những quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về chăm sóc sức khoẻ, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật. Đa số các ý kiến đều nhất trí với các chương, Điều dự thảo luật nêu, song  cũng có những ý kiến đề nghị cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm, câu chữ. Đồng thời, chỉ rõ một số nội dung cần bổ sung như: Điều 10 về Quỹ trợ giúp NKT cần cụ thể hơn; Điều 36 về cải tạo các công trình công cộng phục vụ NKT đề ra thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025 phải thực hiện xong, nhưng các ý kiến đề nghị lộ trình nên sớm hơn; Điều 37 về trợ cấp xã hội cho NKT, cần phân hạng cụ thể, hoặc phân theo nhóm lao động để trợ cấp cho hợp lý; Điều 28 quy định về việc làm cho người khuyết tật. Vấn đề này, dự thảo nêu 2 phương án, một là bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nhận NKT vào làm việc và được hưởng các ưu đãi về vay vốn; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc; kinh phí dạy nghề; thứ hai là các cơ quan, DN sử dụng tỷ lệ tối thiểu 1% lao động NKT làm việc theo nghề, công việc, nếu không sử dụng NKT làm việc phải nộp số tiền tương ứng với số NKT còn thiếu vào quỹ việc làm NKT. Đa số ý kiến đều nhất trí lựa chọn phương án 1, vì nếu không bắt buộc trên thực tế các tổ chức, DN rất ít khi sử dụng lao động là NKT.

 

Về Dự thảo Luật nuôi con nuôi, quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ của con nuôi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về nuôi con nuôi. Luật có 5 chương 52 Điều. Các ý kiến tập trung thảo luận nhiều nhất là các Điều 11, 13, 23, 50, 51. Điều 11về các hành vi bị cấm cần bổ sung: cha mẹ đủ điều kiện nuôi con nhưng vẫn cho con làm con nuôi; hoặc việc nhận làm con nuôi làm thay đổi thứ bậc trong gia đình; nghiên cấm hành vi mua bán các bộ phận của trẻ em. Điều 7 về người được nhận làm con nuôi có hai ý kiến, một là nên để Tiết b “Được bố dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi” vì liên quan đến phân chia tài sản; hai là không nhất trí vì đã là bố dượng, mẹ kế thì không thể nhận con vợ hoặc con chồng làm con nuôi vì đây là việc đương nhiên. Điều 23: căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi nên quy định thêm, con nuôi có quyền đề nghị cơ quan chức năng giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi nếu bị ngược đãi. Điều 50, điều khoản chuyển tiếp, cần xem lại việc nuôi con nuôi chưa được đăng ký trong thời hạn 5 năm khi Luật này có hiệu lực. Điều 51 quy định bãi bỏ Chương 8, gồm các Điều từ 67 đến Điều 78 và Điều 105 của Luật Hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 cần xem lại...

 

Ngoài ra, các ý kiến thảo luận nhiều về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải bảo đảm quyền lợi cho trẻ em được nhận làm con nuôi; vấn đề quản lý sau khi đưa trẻ em đi nước ngoài làm con nuôi; cần quy định rõ các yếu tố bảo mật về nguồn gốc trẻ em làm con nuôi, đến độ tuổi nào thì được công bố và ai là người được phép công bố để tránh sự xáo trộn, làm phiền phức cho các bên...

 

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để trình, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII vào tháng 5 tới.