Góp ý vào Dự án Luật trọng tài thương mại và Luật thi hành án hình sự

17:39, 13/04/2010

Tiếp tục chương trình về lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo một số luật thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, ngày 13/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị thảo luận lấy ý kiến đóng góp vào 2 Dự thảo luật: Luật trọng tài thương mại và Luật thi hành án hình sự.

 

Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thư­ờng vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Dự thảo Luật trọng tài thương mại của Quốc hội đưa ra thảo luận gồm 13 chương, 81 điều. Tại Hội nghị đã có gần 10 ý kiến của các đại biểu tham gia ý kiến đóng góp tập trung chủ yếu vào các nội dung: Tại Điều 2 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại đề nghị bỏ Khoản 1 vì đã quy định ở Khoản 2. Đối với Khoản 3, điều 4 đề nghị sửa lại thành “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”. Về tính độc lập của thoả thuận trọng tài, đa số các ý kiến đều cho rằng nếu quy định như trong dự thảo luật thì trong trường hợp các bên thay đổi hoặc gia hạn hợp đồng nhưng họ thấy không cần thiết phải có thoả thuận trọng tài nữa, nói cách khác là trong phần thay đổi hoặc gia hạn có nội dung xóa bỏ thoả thuận trọng tài, họ chỉ được chọn giải quyết tranh chấp bằng Toà án, liệu thỏa thuận trọng tài ban đầu có còn độc lập? Do đó, để đảm bảo tính chặt chẽ nên bổ sung như sau: “Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận xóa bỏ trọng tài ban đầu”.  Thêm nữa, dự thảo luật quy định thời hiệu khởi kiện trọng tài có thời gian 2 năm là quá dài, đề nghị nên quy định thời hiệu là 1 năm.

 

Về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ, các ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn nữa, Toà án sẽ hỗ trợ như thế nào trong việc thu thập chứng cứ, nếu quy định như Dự thảo thì trình tự, thủ tục yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự là chưa rõ ràng, đầy đủ vì: Thông thường, đối với một vụ kiện, Toà án phải thụ lý vụ án, phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc, sau đó Thẩm phán được phân công mới thực hiện các thao tác nghiệp vụ để giải quyết vụ án như lấy lời khai, thu thập chứng cứ... Vậy, khi có yêu cầu của Hội đồng trọng tài đề nghị Toà án giúp đỡ thu thập chứng cứ thì ai là người giải quyết? Vì theo nguyên tắc: khi các bên đã lựa chọn cơ quan tài phán giải quyết là trọng tài thì toà án sẽ không thụ lý vụ án,  nếu không thụ lý vụ án thì việc Toà án hỗ trợ Hội đồng trọng tài như thế nào, thì phải quy định cho rõ.

 

Về Dự thảo Luật thi hành án hình sự, đa số các ý kiến đều nhất trí với các chương, Điều dự thảo luật nêu, song đề nghị cần bổ sung, làm rõ một số khái niệm, câu chữ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về chương III (mục 1): cần bổ sung một điều luật quy định về việc người đang chấp hành án ở trại giam lại bị cơ quan tiến hành tố tụng ra lệnh bắt giam phục vụ cho việc điều tra một tội phạm khác hoặc bị Toà án xét xử về một tội phạm khác. Tại Điều 18 về nhiệm vụ, quyền hạn của trại tạm giam khi quản lý phạm nhân cần nêu rõ các nhiệm vụ, quyền hạn như trại giam. Điều 21, đề nghị bổ sung nhiệm vụ Toà án lập hồ sơ theo dõi việc thi hành án của người chấp hành án vì việc này rất quan trọng đối với các trường hợp thi hành án không phải án phạt tù. Điều 61 quy định về hình thức và trình tự thi hành án tử hình, đa số các ý kiến đều nhất trí với phương án 2 là tiêm thuốc độc vì thực tế cho thấy việc thi hành án tử hình bằng xử bắn trong thời gian qua có nhiều bất cập về pháp trường, những người trực tiếp thi hành án phải chịu áp lực về tâm lý…

 

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để trình, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII vào tháng 5 tới.