Sôi nổi tại các tổ thảo luận

08:00, 20/04/2010

Trong ngày làm việc thứ nhất của kỳ họp chuyên đề lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu đã chia tổ thảo luận.

 

Theo ghi nhận của phóng viên tại tổ thảo các đại biểu đặc biệt quan tâm và tham gia đóng góp vào một số Nghị quyết về: Quy định điều chỉnh, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; Quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên địa bàn; Chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập, dân lập, tư thục; Phân cấp nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường thuộc ngân sách địa phương…

 

+ Về vấn đề điều chỉnh, bổ sung một số loại phí, lệ phí:

 

Theo các đại biểu: Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Vi Hồng (đoàn Phú Lương) thì quy định bổ sung về thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn từ mức 20 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/cơ sở/tháng là quá thấp. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét nâng mức thu phí bảo vệ môi trường lên khoảng từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/cơ sở/tháng.

 

Về thu nộp phí tham quan khu di tích lịch sử ATK - Định Hoá có 2 luồng ý kiến khác nhau. Theo đại biểu Thái Quang Hải (Đoàn Phú Bình), trong khi chúng ta đang bỏ thu phí tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc thì việc thu phí tham quan Khu di tích lịch sử ATK là không hợp lý và ở một số địa phương khác họ cũng không thu phí tại các điểm di tích lịch sử. Đại biểu Trịnh Thị Cúc (Đoàn Phú Lương), đại biểu Nguyễn Tài Hà (Đoàn Sông Công) cũng cho rằng, thời điểm này chúng ta chưa nên thu phí tham quan Khu di tích lịch sử ATK. Đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Đoàn Phổ Yên) phân tích: Theo tính toán, mức độ khách đến tham quan Di tích lịch sử ATK hằng năm chưa nhiều, dự kiến năm 2010 có  khoảng 300 nghìn lượt khách tham quan, số phí dự kiến nếu thu được sẽ vào khoảng 300 triệu đồng. Trong khi Khu di tích lịch sử ATK mới được đầu tư, đang cần quảng bá để thu hút khách tới tham quan, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nên việc thực hiện thu phí vào thời điểm này là chưa thích hợp. Ngược lại, đại biểu Nguyễn Đình Bàng (Đoàn Phú Bình) cho rằng, việc thu phí vào tham quan Khu di tích này là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Hơn nữa, việc thu phí này cũng chính là để phục vụ lại cho công tác tu bổ, tôn tạo và có kinh phí để trả lương cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại đây, vì hiện Ban Quản lý di tích và các danh thắng của tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu.

 

Đối với quy định thu phí qua cầu treo, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Phú Lương) thì nên bỏ đối với loại hình xe đạp. Đại biểu Nguyễn Quang Anh (Đoàn T.P Thái Nguyên) cũng cho rằng: Không nên thu phí đối với các đối tượng đi xe đạp vì đây chủ yếu là học sinh và người dân nghèo.

 

Theo nhiều đại biểu thì mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản như hiện nay là còn thấp. Ông Phan Văn Tường, Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, không nên điều chỉnh hạ mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản vì nếu hạ thấp mức phí, chúng ta sẽ rất dễ phải tiếp nhận những dây chuyền công nghệ lạc hậu và hàng năm tỉnh lại phải trích ngân sách để khắc phục những hậu quả từ việc đầu tư gây ô nhiễm của các nhà máy. Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài chính thì nên điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vì hiện chúng ta đang thu ở mức tối đa theo quy định của Chính phủ. Và so với một số địa phương khác có khoáng sản như Bắc Kạn thì mức phí thu của chúng ta cũng cao hơn hẳn, có những khoản thu cao hơn gấp 2 lần.

 

+ Về vấn đề chuyển đổi trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập, dân lập, tư thục:

 

Đại biểu Nguyễn Quang Anh (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng: Việc chuyển đổi các trường mầm non từ bán công sang công lập, dân lập, tư thục là rất cần thiết, tuy nhiên phải xem xét đến lộ trình thực hiện. Đại biểu cũng nhất trí với phương án chuyển những trường mầm non ở các vùng nông thôn, miền núi sang công lập trước. Những trường ở thành thị hoặc các vùng thuận lợi hơn sẽ chuyển đổi sau. Còn theo đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng (đoàn Đồng Hỷ) thì các xã hầu hết chỉ có 1 trường mầm non, trong khi các phường, thị trấn trong tỉnh có nơi có 2 hoặc 3 trường mầm non nên khi chuyển đổi cần phải tính toán trong 1 xã, thị trấn hoặc phường có 2 trường trở lên thì chuyển trường nào trước, trường nào sau để không ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên cũng như phụ huynh học sinh. Các đại biểu: Trương Thị Huệ (Đoàn Đại Từ), Ngô Quang Khải (Đoàn Phú Bình) cho rằng, việc chuyển đổi này là cần thiết, để vừa đảm bảo cuộc sống của giáo viên, vừa giảm bớt được khó khăn cho người dân. Nếu có điều kiện thì nên chuyển đổi toàn bộ 146 trường mầm non bán công sang công lập. Đại biểu Ngô Xuân Triệu (đoàn Phổ Yên) phân tích: Theo lộ trình thì tỉnh ta sẽ chuyển đổi 67 trường ở khu vực nông thôn miền núi trong năm 2010, năm 2011 sẽ chuyển đổi tiếp 70 trường ở khu vực nông thôn không phải miền núi và khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, 9 trường còn lại sẽ được chuyển đổi nốt trong năm 2012. Để chăm lo tốt cho bậc học này, tỉnh cần rút ngắn lộ trình. Ngoài 67 trường ở khu vực nông thôn miền núi, các trường thuộc các xã ATK2 (có 3 trường) và những trường ở khu vực nông thôn có tỷ lệ cao: 15% trở lên (có 9 trường) cũng cần được ưu tiên. Nếu được như vậy thì năm 2010 không phải 67 trường được chuyển đổi mà là 79 trường, 58 trường còn lại sẽ cố gắng chuyển đổi trong năm 2011.

 

+ Về quy định chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh:

 

Đại biểu Ngô Quang Khải (Đoàn Phú Bình) cho rằng: Chúng ta chỉ nên dành sự ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt để vừa đảm bảo theo quy hoạch của tỉnh, vừa đảm bảo môi trường; đồng thời, hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư nhưng thực chất là kinh doanh đất như đã diễn ra trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần dành cơ chế hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân. Về vấn đề này, đại biểu Ngô Xuân Triệu (Đoàn Phổ Yên) cũng có ý kiến: Đến nay, tỉnh mới có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp do doanh nghiệp trong và ngoài nước làm chủ đầu tư, dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư đặc biệt… Nhìn chung, đều thuộc lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, ngành nông nghiệp hiện nay cũng đang chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là kinh tế trang trại hiện đang phát triển mạnh mẽ. Được biết, trên địa bàn tỉnh còn nhiều quỹ đất để phát triển loại hình kinh tế này, nên cũng cần có chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh có ý kiến thêm: Cần kiểm tra việc sử dụng quỹ đất của các doanh nghiệp. Hiện tỉnh đang kêu gọi lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa sử dụng hoặc sử dụng kém, cần có hướng khắc phục. Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh hiện đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên cũng cần có những quy định cũng như thẩm định giám sát chặt chẽ hơn nữa, tránh để dự án treo làm mất thời cơ của các nhà đầu tư có tiềm năng khác.