Tăng cường các biện pháp phòng trừ bệnh hại lúa

08:14, 07/04/2010

Kết thúc gieo trồng vụ xuân thắng lợi, Thái Nguyên đang bước vào chăm sóc đợt 1, 2 cho trà lúa xuân muộn và chính vụ. Tuy nhiên, hiện nay, trên một phần nhỏ diện tích lúa xuân đã bắt đầu xuất hiện sâu bệnh, trong đó có bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

 

Bệnh này có nguồn gốc từ Trung Quốc và bắt đầu xuất hiện ở nhiều tỉnh nước ta từ vụ mùa 2009. Bệnh do rầy gây ra, rầy di chuyển từ cây có bệnh sang cây khỏe, từ ruộng bị bệnh sang ruộng không bệnh, từ cây lúa sang cỏ, các cây trồng khác, có khả năng gây thiệt hại lớn cho các vùng trồng lúa. Ngày 18/3 vừa qua, Thái Nguyên đã gửi 6 mẫu lúa có biểu hiện nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá về Trung tâm Giám định của Cục Bảo vệ thực vật để xác định chính xác bệnh hại lúa (trong đó, Phú Lương và Phú Bình, mỗi huyện 2 mẫu, T.P Thái Nguyên và huyện Đại Từ, mỗi đơn vị 1 mẫu). Qua kết quả giám định ngày 22/3 của Trung tâm Giám định, 1 mẫu lúa ở xóm Mãn Quan, xã Hợp Thành (Phú Lương) có kết quả dương tính với bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

 

Để chủ động phòng trừ dịch bệnh nguy hiểm này, hiện nay Thái Nguyên đang thực hiện nhiều biện pháp như: Đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh, khi xác định có rầy mang vi rút, Chi cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn huyện Phú Lương tổ chức phun triệt để nơi rầy di trú đến. Những diện tích có tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 30% số khóm, cây thì yêu cầu nhổ bỏ, tiêu hủy các dảnh, cây lúa bệnh vùi sâu xuống bùn và dặm bằng các khóm cây không bị bệnh...

 

Theo đó, với quan điểm phòng hơn chống, các địa phương trong tỉnh đang vận động nông dân thường xuyên thăm đồng kết hợp với theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy trên đồng ruộng (hiện tại, T.P Thái Nguyên, Phổ Yên, Đại Từ đã đặt bẫy đèn để dự báo chính xác sự xuất hiện của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá); tập huấn cách phòng trừ bệnh cho cán bộ kỹ thuật và hộ nông dân; tổ chức tuyên truyền biện pháp phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; điều tra theo dõi, phát hiện các loại rầy...