Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/4, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Võ Nhai (ảnh).
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí là lãnh đạo của các sở, ban, ngành có liên quan.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn trong quý I, trong đó nêu rõ những kết quả đã đạt được và những tồn tại cần khắc phục. Những kết quả nổi bật là: Phát hiện, xử lý 431 vụ vi phạm, tịch thu trên 400m3 gỗ tròn các loại; trên 38 kg động rừng hoang dã; 128 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,3 tỷ đồng; triển khai việc thiết kế trồng rừng theo kế hoạch năm 2010 được hơn 2.917ha; cấp giấy chứng nhận cho 5 hộ gia đình đủ điều kiện nuôi nhốt động vật hoang dã, 2 giấy phép vận chuyển đặc biệt…
Về tồn tại: Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt là tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phổ Yên và T.P Thái Nguyên; một số đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi trong quá trình vận chuyển lâm sản trái phép, ngăn cản việc truy đuổi của lực lượng Kiểm lâm…
Về khu vực rừng bị tàn phá ở Võ Nhai thuộc các xã Vũ Chấn, Thần Sa, Sảng Mộc, Nghinh Tường… nơi có nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông, Dao…) sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên thường khai thác, buôn bán lâm sản trái phép để kiếm sống. Trước tình trạng đó, huyện Võ Nhai đã xây dựng các phương án, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an… huy động lực lượng tiến hành truy quét các điểm nóng thuộc 6 xã nằm ở phía Bắc của huyện; thực hiện các dự án nhằm hỗ trợ người dân khu vực có rừng ổn định cuộc sống… nhưng đến nay tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của Thái Nguyên trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tổng cục đề nghị tỉnh cần có sự phối hợp với các ngành liên quan ở Trung ương để có những giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Võ Nhai như: Tiến hành truy quét các điểm nóng; giao cho lực lượng Công an tỉnh kiểm tra, rà soát, phân loại đối tượng; tổ chức lập lại trật tự với lực lượng đủ mạnh, quản lý, lập hồ sơ từ ban đầu đối với các trường hợp vi phạm; xử lý hình sự đối với những trường hợp có đủ căn cứ; triệt phá các đường dây vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn; quản lý các xưởng chế biến lâm sản, rà soát để quy hoạch lại và giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến này; các địa phương có rừng cần vào cuộc tích cực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng các chế tài cụ thể; giải quyết đời sống cho đồng bào vùng có rừng (có phương án cụ thể). Theo đó, việc quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực này cần có sự giải quyết liên vùng, đòi hỏi sự vào cuộc của tỉnh giáp ranh với Võ Nhai như Bắc Kạn, Lạng Sơn và giải quyết triệt để những đầu mối tiêu thụ gỗ lậu, nhất là các cai đầu nậu…
Đồng chí Vũ Hồng Bắc đã nhất trí với các giải pháp các ngành của tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra. Đồng chí yêu cầu Chi cục Kiểm lâm làm văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác này trên tinh thần phải báo cáo toàn diện cả những việc làm được, chưa làm được, chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất các giải pháp cụ thể. UBND huyện Võ Nhai hoàn chỉnh báo cáo và đưa ra hướng xử lý đối với những vụ việc đã có đủ chứng cứ, những vụ chưa đủ chứng cứ cần tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ…