Trên 29,5 nghìn tỷ đồng đầu tư đào tạo nghề cho lao động nông thôn

15:05, 10/05/2010

Ngày 10-5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-11-2009. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

 

Theo Quyết định 1956, từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ đầu tư khoảng 29,5 nghìn tỷ đồng để tổ chức đào tạo nghề cho 12 triệu lao động nông thôn phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Triển khai chính sách này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 33 ngày 6-5-2010 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020; UBND tỉnh có Kế hoạch số 16 triển khai Đề án nêu trên với một số nội dung như: Tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn trên địa bàn; tiến hành điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện thí điểm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn tại Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập…

 

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều nhận định đây là chính sách phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động để từng bước phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều đại biểu cho rằng nên chọn lựa những nghề phù hợp với trình độ, nhận thức của lao động nông thôn và thực tế phát triển của tỉnh; tổ chức dạy nghề tại chỗ để nhiều lao động nông thôn có cơ hội học nghề; thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án từ cấp tỉnh tới cấp xã và giao trách nhiệm cụ thể cho thủ trưởng các đơn vị, địa phương để giám sát, kiểm tra…

 

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề đã khẳng định: Đề án này có ý nghĩa đặc biệt trong công cuộc phát triển của tỉnh, tác động trực tiếp đến đời sống của lao động ở nông thôn nên quá trình triển khai phải được tiến hành bài bản, hiệu quả, chống bệnh hình thức. Những vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong quá trình trển khai Đề án cần kịp thời báo cáo với tỉnh, Trung ương để có giải pháp tháo gỡ.

 

Theo kế hoạch từ nay đến giữa tháng 9-2010, các ngành liên quan, 9 huyện, thành, thị sẽ tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo các cấp; tiếp tục rà soát về số lượng, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; đề xuất danh mục nghề đào tạo, thời gian học nghề, trình độ học nghề và hoàn thiện Đề án cấp tỉnh để UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15-9-2010.