Xây dựng Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm

17:07, 13/05/2010

Ngày 13/5, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 4 để thực hiện một số nội dung quan trọng: nghe và cho ý kiến vào: dự thảo điều chỉnh quy hoạch phát triển KT-XH khu vực trung du miền núi phía Bắc trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả bước đầu xây dựng Đại học Thái Nguyên thành ĐH trọng điểm Quốc gia; Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và bàn, quyết định một số nội dung về công tác cán bộ.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chủ trì Hội nghị.

 

 

[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

 

Đối với  nội dung tham gia Quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc trên địa bàn tỉnh vào Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các danh mục đã được quy hoạch theo Nghị quyết 37 của tỉnh những năm trước tiếp tục đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2010-2020. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đầu tư xây dựng khu ATK thu nhỏ tại khu du lịch Hồ Núi  Cốc trước năm 2020. Trong quy hoạch vùng ATK Định Hóa cần quan tâm phát triển rừng bằng cách trồng những cây bản địa, quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên. Đối với các điểm di tích lịch sử cần quy hoạch và tôn tạo cho đúng với tầm vóc. Về công nghiệp tập trung phát triển 6 ngành nghề: chế biến sản phẩm nông, lâm sản, khai khoáng, vật liệu, cơ khí, năng lượng và công nghệ cao. Về y tế, xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm y tế vùng, quy hoạch vùng trồng dược liệu....

           

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Vượng khẳng định: Để  có sơ sở giúp Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm vùng phát triển nhanh, bền vững, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Chính phủ trong những năm tới. Đề nghị  trong định hướng phát triển bổ sung danh mục cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá - Tuyên Quang - Yên Bái. Cũng như đầu tư xây dựng cụm cảng Đa Phúc, cảng ICD tại khu công nghiệp Sông Công. Về phát triển công nghiệp của tỉnh ưu tiên hàng đầu là công nghiệp khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu, sản xuất chế biến nông lâm sản. Bổ sung định hướng phát triển khu du lịch Hồ Suối Lạnh, khu du lịch Hồ Núi Cốc thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia và thực hiện quy hoạch khu ATK lịch sử liên hoàn Thái Nguyên - Tuyên Quang -Bắc Kạn với loại hình du lịch sinh thái, văn hóa giai đoạn 2010-2015. Bổ sung quy hoạch trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng. Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) thành đại học trọng điểm quốc gia. Xây dựng các bệnh viện chuyên ngành. Đề nghị TW tiếp tục cho quy hoạch công viên văn hóa lịch sử thu nhỏ chiến khu Việt Bắc; đầu tư xây dựng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và quy hoạch quốc phòng, an ninh khu vực.

           

Về kết quả bước đầu xây dựng ĐHTN thành ĐH trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án đầu tư bước 1 là 75 tỷ đồng, đã tạo ra cơ sở vật chất ban đầu cho sự phát triển của ĐHTN. Tháng 5/2007, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phê duyệt dự án xây dựng ĐHTN bước 2 với tổng kinh phí 300 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHTN đề nghị tỉnh tiếp tục giúp đỡ trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng cơ bản và các công trình hạ tầng cơ sở; có chính sách ưu đãi cán bộ, giáo viên về đất và nhà ở; khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ĐHTN.

           

Về nội dung này, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: ĐHTN cần tiếp tục quan tâm khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng một số ngành học mũi nhọn. Tạo môi trường đa dạng hóa tuyển sinh. Quan tâm xây dựng đội ngũ, mở rộng liên kết đào tạo.

           

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng cho rằng: ĐHTN đã có nhiều nỗ lực thực hiện đề án theo phê duyệt của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian tới ĐHTN cần tiếp tục quan tâm đào tạo cán bộ đầu ngành; tăng cường kiểm định chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng chí cũng yêu cầu ĐHTN cần bám sát các tiêu chí của ĐH trọng điểm, cái gì còn chưa thực hiện được tập trung phấn đấu. Với các kiến nghị của ĐHTN thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh sẽ ủng hộ.

           

Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, qua 2 ngày tổ chức hội thảo xin ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị vào chủ đề đại hội, bố cục báo cáo, nội dung dự thảo... Tại cuộc họp lần này, các đồng chí trong Ban Thường vụ tiếp tục cho nhiều ý kiến xác đáng để Tổ Biên tập, Tiểu ban Văn kiện rà lại từng mục tiếp tục hoàn chỉnh. Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Cần nghiên cứu kết quả luân chuyển cán bộ; đánh giá vấn đề tăng cường bác sỹ về cơ sở và hoạt động của các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp dân doanh được và chưa được, cũng như đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng để có kiến nghị lên cấp trên. Theo kế hoạch, sau lần chỉnh sửa này, cuối tháng 5 sẽ đăng dự thảo văn kiện trên báo Thái Nguyên và đọc trên Đài PT-TH xin ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.