Ngày 29/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu đại diện Văn phòng Thủ tướng Chính phủ; Cục Kinh tế phát triển, Bộ Nông nghiệp - PTNT và đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh đã nghe lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên và đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt về Dự án đầu tư di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc (ảnh).
Dự án do Chi Cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư nhằm quy hoạch lại vùng bán ngập và bố trí, ổn định dân cư, tính toán tổng mức đầu tư và đề xuất nguồn vốn… Theo tính toán của đơn vị tư vấn thiết kế, nếu tính mực nước của hồ Núi Cốc từ cos 46,2 mét trở xuống, sẽ có phạm vi ảnh hưởng tới 8 xã gồm: 5 xã của huyện Đại Từ (Tân Thái, Hùng Sơn, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ) và 2 xã thuộc thành phố Thái Nguyên (Phúc Trìu, Phúc Xuân) và xã Phúc Tân, huyện Phổ Yên. Trong tổng số 10.500 hộ thuộc 107 thôn xóm thì có 2.682 hộ với 11.553 khẩu bị ảnh hưởng.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011-2012), sẽ bố trí ổn định và sản xuất 713 hộ (trong đó di chuyển tái định cư tập trung 32 hộ, tái định cư xen ghép là 330 hộ, hỗ trợ hạ tầng và sản xuất để ổn định tại chỗ cho 351 hộ); giai đoạn 2 (2012 – 2015), sẽ tiếp tục hỗ trợ hạ tầng và sản xuất để ổn định tại chỗ cho 1.969 hộ; tổng mức đầu tư Dự án trên 284,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp gần 236 tỷ đồng; dự kiến nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trên 234 tỷ đồng…
Sau khi nghe chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thiết kế báo cáo tóm tắt Dự án, các đại biểu đại diện các sở Nông nghiệp- PTNT; Xây dựng; Tài nguyên- Môi trường; Tài chính; Kế hoạch - Đầu tư; Giao thông; UBND huyện Đại Từ; UBND T.P Thái Nguyên và Điện lực Thái Nguyên đã có nhiều ý kiến trao đổi về dự án. Các ý kiến tập trung một số điểm chính: Yêu cầu Dự án bố trí di dân khỏi vùng bán ngập từ cos 48,25 mét; xem xét, đối chiếu phạm vi ảnh hưởng của Dự án với quy hoạch hồ Núi Cốc của tỉnh mới đây để tránh sự chồng lấn; Dự án cần nghiên cứu, đi sâu hơn về quy hoạch sản xuất, ổn định đời sống cho bà con nông dân, đặc biệt là quy hoạch trồng trọt, kết hợp với chế biến nông lâm sản và chăn nuôi, để sau khi thực hiện Dự án đời sống bà con nhân dân được cải thiện hơn trước…
Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và hứa sẽ bổ sung, hoàn chỉnh các phương án và các giải pháp tổ chức thực hiện, sớm đưa Dự án trở thành hiện thực, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và giảm bớt những khó khăn cho người dân do lũ lụt gây ra trong những năm gần đây.