Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại Tổng Công ty Vinaconex

08:51, 17/07/2010

Ngày 16-7, tại Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại-Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex (Tổng Công ty Vinaconex). Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát (ảnh).

 

Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Văn Thời, đại biểu Quốc hội cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh và các ngành liên quan.

 

 Tại buổi giám sát, lãnh đạo Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật của đơn vị về xuất khẩu lao động trong các năm từ 2007 đến 2009 và 6 tháng đầu năm 2010. Theo đó, trong quãng thời gian này, Công ty đã triển khai các hoạt động xuất khẩu lao động ở 49 tỉnh, thành trong cả nước với số lượng lao động tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài là 4.032 người, trong đó Thái Nguyên có 144 người. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã rất chú trọng chăm lo đến quyền lợi, sức khỏe cũng như thu nhập của người được tuyển đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, Công ty còn tạo điều kiện hỗ trợ lao động các chi phí bổ túc, nâng cao tay nghề, tiền ăn, ở trong thời gian đào tạo; hướng dẫn người lao động vay vốn Ngân hàng... Lãnh đạo Công ty cũng đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề liên quan.

 

Tại buổi giám sát, các địa biểu Quốc hội, các thành viên trong đoàn đã trao đổi và đề nghị Công ty làm rõ một số nội dung xung quanh việc thu nhập của người lao động cũng như chất lượng lao động khi được tuyển; mối quan hệ, sự phối hợp của đơn vị tuyển dụng lao động với chính quyền địa phương nơi tuyển dụng; sử dụng vốn từ quỹ hỗ trợ của TW, xử lý lao động bỏ trốn hoặc về nước trước thời hạn; vấn đề giúp đỡ doanh nghiệp của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài...

 

Sau khi phía đại diện Công ty có ý kiến giải trình và trả lời các câu hỏi của các thành viên đoàn giám sát, đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu, ghi nhận những đóng góp đáng kể của đơn vị trong quá trình giải quyết lao động cho các địa phương những năm qua, nhất là đối với Thái Nguyên. Đồng chí cũng lưu ý 4 nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách pháp luật về người đi lao động ở nước ngoài: Tăng cường dạy nghề cho lao động địa phương; thực hiện việc cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp tại cơ sở; sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện tại nước ngoài và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ chế chính sách, văn bản pháp quy về xuất khẩu lao động. Những kiến nghị của Công ty, cũng được các đại biểu tiếp thu, tổng hợp và sẽ trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.