Giám sát tình hình thực hiện xuất khẩu lao động

18:27, 19/07/2010

Tiếp tục Chương trình giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động-XKLĐ) trên địa bàn tỉnh, ngày 19/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên và Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động của tỉnh.

 

Đến dự có các đồng chí: Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh; đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan.

 

* Buổi sáng, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh do đại biểu Phan Văn Tường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã tổ chức giám sát tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên. Báo cáo của Công ty cho thấy, từ năm 2007 đến nay có 1.621 lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị, trong đó Thái Nguyên có 112 lao động. Thị trường XKLĐ chủ yếu của Công ty là Đài Loan (512 lao động), Malaysia (1.008 lao động), Nhật Bản (18 lao động) và Trung Đông (83 lao động). Hiện nay, trong tổng số 1.621 lao động có 1.383 lao động đã về nước (217 lao động về trước thời hạn), 78 lao động bỏ trốn và còn lại 160 lao động đang làm việc ở nước ngoài.

 

Trong những năm qua, Công ty đã cơ bản thực hiện tốt các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Chất lượng người lao động còn thấp, chủ yếu không có tay nghề, ý thức kỷ luật chưa cao, nên tỷ lệ xuất khẩu lao động hạn chế; nguồn vốn vay của ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tại các địa phương còn ít trong khi nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách - xã hội dồi dào nhưng đối tượng lại bó hẹp; công tác quản lý lao động ở nước ngoài còn một số vướng mắc; một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh... Tại đây, sau khi các đại biểu, thành viên đoàn giám sát có ý kiến trao đổi xung quanh các nội dung liên quan, lãnh đạo Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên đã giải trình và làm rõ một số vấn đề về: Chất lượng lao động, quản lý lao động, năng lực của doanh nghiệp cũng như việc hỗ trợ người lao động và trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp với người lao động. Công ty cũng đã kiến nghị với đoàn giám sát về việc cần bổ sung chính sách vay vốn, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

 

* Buổi chiều cùng ngày, tại UBND tỉnh, Đoàn giám sát do đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì đã làm việc với Ban Chỉ đạo XKLĐ của tỉnh (ảnh). Theo báo cáo, từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta đã đưa được 6.725 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường chủ yếu là: Malaysia, Đài Loan, Libya, UAE... Tổng số tiền do người lao động ở nước ngoài gửi về qua hệ thống ngân hàng đến nay là khoảng 787 tỷ đồng. Đánh giá của Ban Chỉ đạo cho thấy, kết quả công tác XKLĐ của tỉnh thời gian qua chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do thu nhập của người lao động đi xuất khẩu thấp; thị trường lao động mới chưa được mở rộng; một số người lao động thiếu thái độ hợp tác; công tác cho vay trong hệ thống ngân hàng chưa thống nhất, mức vay thấp; một số doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết với địa phương và thiếu thận trọng trong khảo sát thị trường; công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ chưa thường xuyên; đối tượng có nhu cầu đi lao động phần đông là lao động phổ thông thuộc các hộ nghèo và cận nghèo... Ban Chỉ đạo XKLĐ tỉnh cũng đã xây dựng các nhóm giải pháp, đồng thời đề xuất, kiến nghị khắc phục một số nội dung còn vướng mắc với Chính phủ và địa phương.

 

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng nêu bật những kết quả đạt được của tỉnh trong thực hiện các chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời lưu ý một số vấn đề còn vướng mắc như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người lao động còn hạn chế; trách nhiệm quản lý Nhà nước về XKLĐ ở một số địa phương chưa cao; kết quả XKLĐ chưa tương xứng, chưa có mô hình điểm; chất lượng nguồn nhân lực lao động thấp. Đồng chí cũng thống nhất đề xuất, kiến nghị với Quốc hội về việc cần quan tâm, nghiên cứu, bổ sung một số vấn đề về khung pháp lý, công tác quản lý và những cơ chế ưu đãi đối với người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, kiến nghị với tỉnh cần chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ ở các cấp; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nghiên cứu, ban hành một số chính sách ưu đai của tỉnh và nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực tham gia XKLĐ.