Hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về chè

17:32, 09/07/2010

Ngày 9/7, tại xã Phú Lạc (Đại Từ), Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về chè tại Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010.  

 

Dự hội thảo có đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,  đại diện các vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, Hội khoa học chè Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái…

 

Tính đến năm 2009, toàn tỉnh có trên 17 nghìn ha chè, trong đó trên 16 nghìn ha chè kinh doanh. Trong giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại trên 2.700 ha chè bằng giống mới, chủ yếu là các giống: LDP1, Keo am tích, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần đưa năng suất chè từ 59,22 tạ/ha (năm 2001) lên 98,8 tạ/ha (năm 2009); tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Năm 2005, giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 16 triệu đồng/ha (búp tươi), 36,5 triệu đồng/ha (búp khô), đến năm 2009, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 46 triệu đồng/ha, riêng khu vực T.P Thái Nguyên đạt 91 triệu đồng/ha.

 

Các giống chè mới được chuyển đổi đã thúc đẩy khả năng đầu tư thâm canh theo hướng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ giữa Viện khoa học nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nên công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực giống đối với cây chè theo hướng tích cực. Từ chỗ hầu hết diện tích chè là giống Trung du, đến nay, toàn tỉnh đã có 22,7% diện tích chè giống LDP1, 4,7% chè TRI777, 3,8% chè nhập nội, diện tích chè Trung du giảm xuống còn 68,5%. Trong thời gian tới, tỉnh ta tổ chức quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; xác định cơ cấu giống chè theo hướng giảm diện tích chè trồng bằng giống Trung du, tăng diện tích chè trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao; trong công tác giống kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống, tuyển chọn cây đầu dòng, phục tráng, bảo tồn giống chè Trung du nhằm duy trì và phát triển các sản phẩm chè đặc sản vốn có của địa phương.

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đặng Viết Thuần biểu dương những thành tựu trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về chè tại Thái Nguyên trong những năm gần đây. Đồng chí cũng kỳ vọng trong thời gian tới cây chè là cây mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo và trở thành cây làm giàu của người dân. Để làm được điều đó, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quy hoạch vùng chè, tạo thành vùng nguyên liệu có sản lượng lớn tiến tới sản xuất hàng hóa, đặc biệt là một số vùng như chè Tân Cương, chè La Bằng trong quy hoạch phải gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, chúng ta tiếp tục xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên vững mạnh; đồng thời gắn chặt mối liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp,...