Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại buổi giám sát về tình hình thực hiện công tác xuất khẩu lao động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn tại huyện Phú Bình và xã Hà Châu ngày 17/7 (ảnh).
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thuý Anh, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Xuất khẩu lao động huyện, từ năm 2007 đến tháng 6/2010, Phú Bình có 625 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu đến các nước: Malaysia, Đài Loan, Cộng hòa Ship, Nga, Trung đông, Hàn Quốc… Theo nhận định chung, số người tham gia xuất khẩu lao động những năm qua có xu thế giảm dần, nguyên nhân do một số thị trường không có nhu cầu tuyển lao động, một số thị trường truyền thống như Malaysia không còn hấp dẫn vì số lao động gặp rủi ro cao, nhiều lao động sau khi kết thúc hợp đồng không có tiền để mua vé máy bay về nước; một số thị trường mới được mở rộng nhưng đòi hỏi chất lượng lao động cũng như chi phí cao, trong khi đại đa số những người có nhu cầu xuất khẩu lao động là người nghèo, chất lượng lao động thấp, hầu hết đều chưa qua đào tạo… Cùng với đó, năng lực xuất khẩu lao động của không ít công ty còn hạn chế, một số doanh nghiệp còn thực hiện việc trao đổi lao động khiến người lao động hoang mang. Bên cạnh đó là thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo huyện. Bởi vậy, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2006-2010 của Phú Bình chỉ đạt 40% kế hoạch đề ra…
Sau khi nghe địa phương trình bày báo cáo về công tác xuất khẩu lao động, các đại biểu đã yêu cầu chính quyền cơ sở làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan. Đại diện lãnh đạo các cơ quan như: Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và huyện, Công an tỉnh, Sở Lao động - thương binh và xã hội… cũng đã giải đáp những ý kiến, kiến nghị, thắc mắc của huyện, xã.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: Công tác xuất khẩu lao động có vị trí, ý nghĩa tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thông qua xuất khẩu sẽ giúp người lao động ý thức tốt hơn về kỷ luật, tác phong làm việc… Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lao động khó tính, có thu nhập cao, ổn định và điều kiện làm việc tốt, thì chính quyền các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn lao động; có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương - công ty tham gia xuất khẩu lao động và người lao động; chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động; quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các gia đình chính sách, hộ nghèo được tham gia xuất khẩu lao động khi có nhu cầu. Đối với các trường hợp xuất khẩu lao động sang Nga của xã Hà Châu, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng yêu cầu, lãnh đạo huyện, xã cần có các biện pháp can thiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Bình, xã Hà Châu để cùng tháo gỡ khó khăn…