Triển khai Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn

17:05, 20/07/2010

Ngày 20/7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn (gọi tắt là QĐ67); triển khai Nghị định 41 ngày 12-4-2010 của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NNNT).

 

Dự Hội nghị có đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan, các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

 

QĐ67 của Thủ tưởng Chính phủ được ban hành ngày 30-3-1999, sau hơn 10 năm thực hiện, với sự triển khai tích cực của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NHNo) đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, triển khai có kết quả chính sách tín dụng trên. Hàng năm, các ngân hàng đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung cho các thành phần kinh tế vay có hiệu quả. Trong đó, chủ yếu đầu tư cho các chương trình, dự án mới, sản xuất hàng xuất khẩu, các chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo của các địa phương. Tổng dư nợ năm 1999 mới đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, đến năm 2009 đã tăng lên gần 10.500 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 26,86%/năm. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nông dân, nhất là với nông dân miền núi, vùng cao; giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh; tạo sự phát triển mạnh trong nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện QĐ67 cũng còn nhiều vướng mắc như: nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của khu vực nông nghiệp tăng cao nhưng nguồn vốn này chưa đáp ứng được; một số chính sách còn vướng như: vấn đề xử lý rủi ro, nguồn vốn, mức vốn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...

 

Nhằm tháo gỡ những bất cập của QĐ67, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 ngày 12-4-2010, trong đó có nhiều điểm mới so với QĐ67 như về: đối tượng, mức vay, các lĩnh vực vay... Đặc biệt, về cơ chế bảo đảm tiền vay, mức vay đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân ở nông thôn được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng, đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đến 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất ngành nghề hoặc dịch vụ ở nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng, đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại; căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn và khả năng hoàn vốn của dự án, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời gian vay vốn phù hợp…Hoặc trong trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ và xem xét cho vay mới  mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn…

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần đã đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm triển khai Nghị định 41 đến cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền; hệ thống ngân hàng nắm được tinh thần Nghị quyết T.W 7 về phát triển NNNT để đầu tư cho vay có hiệu quả. Đồng thời định hướng cho các ngân hàng cần lựa chọn lĩnh vực đầu tư trọng tâm, góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.

 

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã có Quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện QĐ67 của Thủ tướng Chính phủ.